“Nới điều kiện” để gói 30.000 tỷ đồng đến với nhiều người dân

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị bổ sung đối tượng cán bộ công chức, lực lượng vũ trang và người lao động đô thị có khó khăn cũng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
“Nới điều kiện” để gói 30.000 tỷ đồng đến với nhiều người dân ảnh 1Khu nhà dành cho người thu nhập thấp ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thị trường bất động sản hiện đang ấm lên với lượng giao dịch tăng nhanh so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho giảm trong khi nguồn cung vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt, giá bất động sản ổn định sau một thời gian dài giảm sâu và đã được thị trường chấp nhận.

Điều này cho thấy Nghị quyết 02 đã có tác động tích cực đến thị trường này nhưng vẫn tiếp tục cần sửa đổi, bổ sung thêm các chính sách để nhiều người dân còn khó khăn về nhà ở tiếp cận được các gói hỗ trợ.

Bổ sung đối tượng, “nới” điều kiện

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Sáu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề xuất Chính phủ sớm ra Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02 với các giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ nhà ở cho những hộ khó khăn về nhà ở, trong đó kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung thêm vào nhóm được vay nguồn vốn ưu đãi này là những hộ gia đình, cá nhân, tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cho học sinh-sinh viên và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 188.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phân tích, mặc dù nhóm đối tượng này đã được xếp loại ưu tiên trong Nghị định 188 rồi nhưng trong Nghị quyết 02 lại chưa đề cập đến các hỗ trợ cho nhóm này.

Thêm một điểm mới trong đề xuất là những hộ gia đình, cá nhân, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động đô thị có khó khăn về nhà ở chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức nhưng đã có đất ở phù hợp với quy hoạch thì cũng thuộc nhóm được đề nghị cho vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở.

Trong khi gói tín dụng ưu đãi này giải ngân chậm, quỹ nhà chưa đáp ứng nhu cầu của đối tượng được mua thì cũng nên bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại đô thị, có khó khăn về nhà ở vào diện được vay vốn ưu đãi để mua nhà ở thương mại có giá trị phù hợp với quy định của Nghị quyết 02.

Theo quy định tại Nghị quyết 02, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân thuê, thuê mua nhà thương mại diện tích dưới 70m2 giá dưới 15 triệu đồng/m2 thì được vay gói 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên sản phẩm căn hộ chung cư thì thường phổ biến ở các đô thị lớn, còn đô thị vừa và nhỏ thì đa số nguồn cung và nhu cầu vẫn là nhà ở riêng lẻ thấp tầng. Do đó đại đa số người dân tại các đô thị vừa và nhỏ không có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Mặt khác, sản phẩm căn hộ thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thường chỉ có ở dự án xa trung tâm, vị trí không thuận lợi, hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu nên nhóm khách hàng này rất hạn chế.

Sau khi Chính phủ chấp thuận bổ sung các đối tượng này, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể điều kiện và mức vay đối với trường hợp mua nhà thương mại có giá trị phù hợp với Nghị quyết 02 mà khách hàng cần đáp ứng để được vay từ gói 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để quản lý tốt thị trường bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các địa phương; cụ thể là tiếp tục rà soát các dự án bất động sản đang triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 2196 và Nghị định số 11 về quản lý phát triển đô thị.

Việc rà soát dự án sẽ đảm bảo đi sát nhu cầu thực tế, tránh lệch pha cung cầu.

Còn tại Nghị định 11, lần đầu tiên đưa ra quan điểm là quản lý phát triển đô thị không chỉ theo quy hoạch mà phải có kế hoạch để tránh tình trạng quy hoạch treo.

Từ những rà soát cụ thể này sẽ giúp định ra khu vực phát triển và có kế hoạch thực hiện. Khi ấy sẽ có những dự án cần phải dừng, có dự án được tiếp tục triển khai để phù hợp với khả năng và nhu cầu, đảm bảo cho phát triển bền vững của thị trường.

Ưu tiên phân khúc có nhu cầu cao

Theo thống kê từ Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện thị trường bất động sản đã ấm lên, giao dịch tăng từ giữa năm 2013 và đến sáu tháng 2014 tiếp tục duy trì thanh khoản tốt.

Tại Hà Nội, trong sáu tháng có 4.150 giao dịch, tăng gấp hai lần cùng kỳ.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có bất động sản nằm ở những khu vực thuận lợi cũng đều có giao dịch tốt hơn nhiều so với thời gian trước.

Giá cả bất động sản đã ổn định sau một thời gian giảm sâu và cũng đã được thị trường chấp nhận. Đáng chú ý, trong khi nguồn cung tăng thì tồn kho bất động sản lại tiếp tục giảm. Tổng lượng hàng hóa bất động sản tồn kho trên toàn quốc còn khoảng 83.034 tỷ đồng, giảm 11.423 tỷ đồng, tương đương 12% so với đầu quý 1/2014, giảm 45.000 tỷ đồng, tương đương 35,4% so với quý 1/2013.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định, thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Số dự án bất động sản được cấp phép vượt quá xa so với nhu cầu thực của thị trường.

Hiện nay, có hơn 4.000 dự án được cấp phép, hơn 100.000ha, nhưng nếu xây dựng xong thì phải mất khoảng 15-20 năm nữa. Nguồn lực để hoàn thành các dự án này vượt khả năng đáp ứng vốn của nền kinh tế.

Bởi vậy, những dự án xa trung tâm, giao dịch thấp thì không thể tiếp tục triển khai và cần tập trung phát triển nhà ở có trọng tâm cụ thể, ưu tiên phân khúc có nhu cầu cao và một trong số đó là nhà ở xã hội.

Đến năm 2015, cả nước cần khoảng 1,3 triệu căn hộ, nhưng khả năng đáp ứng vẫn còn thấp, đặc biệt là nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Hiện, cả nước có 289 khu công nghiệp với khoảng 2,1 triệu công nhân, ngoài ra còn hàng triệu người đang làm việc ngoài các khu công nghiệp. Đây là những đối tượng lương thấp, 80% công nhân hiện phải sống trong các khu nhà trọ của người dân tự xây với mô hình tạm bợ, chật chội..., ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Cùng đó, nhà ở cho sinh viên cũng là một nhu cầu rất lớn cần đáp ứng. Tính đến năm 2013, cả nước có khoảng 5 triệu học sinh sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề và 70% số này có nhu cầu cần nhà ở.

Mặc dù bằng nguồn vốn trái phiếu, Chính phủ đã đầu tư xây dựng 330.000 chỗ ở mới cho sinh viên những cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu; số còn lại vẫn phải thuê nhà ở của các hộ dân.

Để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, các địa phương cần tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội được tiếp cận với thủ tục đất đai, điều kiện..., để có thể triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội.

Hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động cũng đề xuất được bố trí đất để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân nhằm thu hút người lao động gắn bó lâu dài với đơn vị.

Khảo sát một số doanh nghiệp sản xuất thiết bị hỗ trợ cho xe máy, ôtô tại vài khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy nhu cầu về chỗ ở cho người lao động rất lớn.

Trong khi chưa đủ quỹ nhà ở phục vụ nhu cầu cho công nhân, tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai..., những người lao động này vẫn phải thuê nhà của các hộ gia đình lân cận để ở với điều kiện sống không đảm bảo, thiếu thuận tiện...

Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận vai trò của những người dân, hộ dân, trong việc đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê có vai trò rất quan trọng để góp phần hoàn thành nhiệm vụ của chương trình nhà ở xã hội.

Bởi vậy, tại Nghị định 188 cũng quy định, người dân làm nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của nhà nước và họ phải chấp hành những yêu cầu chung về giá cho thuê, cũng các quy định khác để đem lại lợi ích cho người lao động, học sinh, sinh viên.

Khi các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cần được tạo điều kiện hướng dẫn về thủ tục, quy chuẩn-tiêu chuẩn thiết kế cũng như hỗ trợ vay vốn... Cùng đó, các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt như Chương trình 167 giai đoạn II nhằm hỗ trợ 500 hộ nghèo về nhà ở, Chương trình nhà ở tránh lũ bão cho các hộ nghèo thuộc 14 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung cũng đang cần được bố trí vốn sớm để thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.