Nỗi niềm sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM: Khao khát điểm diễn xứng tầm

Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại đang là yêu cầu cấp thiết của nhiều nghệ sỹ, đơn vị biểu diễn nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Nỗi niềm sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM: Khao khát điểm diễn xứng tầm ảnh 1Trích đoạn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)

Sau thời gian gần như “co cụm” lại vì những khó khăn chung, các sân khấu xã hội hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ nhưng chưa có sự đồng bộ.

Thiếu điểm diễn và phải biểu diễn tại những sân khấu không phù hợp là nỗi lo chung của nhiều nghệ sỹ bởi không có “đất” để cải lương ươm mầm và phát triển. Đây cũng là nỗi lo lắng của các đơn vị xã hội hóa cũng như công lập.

Gian nan tìm điểm diễn

Theo các nghệ sỹ, vấn đề tìm “ngôi nhà” cho nghệ sỹ là bài toán chưa có lời giải, là câu chuyện cũ nói đi nói lại nhưng chưa có hồi kết. Vấn đề thiếu sân khấu, thiếu điểm diễn còn dẫn đến nhiều nghệ sỹ vì muốn bám nghề phải chấp nhận biểu diễn tại những địa điểm chưa thực sự phù hợp như nhà hàng, quán ăn, sự kiện. Vì thiếu đất diễn mà nhiều kịch bản hay, vở diễn xuất sắc chỉ để đem đi thi, tham gia hội diễn rồi về “đắp chiếu.”

Chia sẻ về nỗi chật vật khi phải đi thuê rạp diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long cho biết anh ít có cơ hội vào diễn tại sân khấu cải lương chính thống duy nhất của Thành phố là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vì mức chi phí quá lớn.

Thực tế, với mong muốn đưa sản phẩm chất lượng đến với công chúng, các đơn vị xã hội hóa phải “xin” để được vào thuê với một mức giá hữu nghị.

Cách đây không lâu, Nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long đã bỏ ra hơn 800 triệu đồng để dàn dựng vở “Rạng Ngọc Côn Sơn” được đánh giá cao, nhưng chỉ sau hai đêm diễn tại Nhà hát Bến Thành đã phải dừng lại vì không chịu nổi chi phí. Mỗi đêm, anh phải trả 45 triệu đồng tiền chi phí thuê rạp.

[Nhiều sân khấu ở TP.HCM chật vật hoạt động trong mùa dịch COVID-19]

Với mức chi phí này, giá vé cho một người là 1 triệu đồng mới đủ trang trải chi phí, nhưng đó là mức giá "không tưởng" trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cùng chung nỗi niềm này, theo nữ nghệ sỹ Cát Tường, nhiều nghệ sỹ đã phải đi tìm công việc khác để mưu sinh nhưng vẫn luôn trăn trở với sân khấu.

Nhiều người đã thành công với công việc khác và kinh tế bắt đầu ổn định nhưng vẫn luôn đau đáu mong chờ đến ngày sân khấu sáng đèn và được biểu diễn trở lại.

Trước đó, nghệ sỹ Cát Tường và nhóm kịch Buffalo đã trải qua nhiều giai đoạn gian nan tìm sân khấu để diễn, suốt ba năm trời đi thuê rạp với số tiền lớn trong khi số tiền bán vé cho mỗi suất diễn lại “lẹt đẹt.”

Nhóm đã thuê Nhà hát Bến Thành, Rạp Công nhân, gần đây nhất là Nhà hát Quân đội, mỗi đêm phải trả từ 40-50 triệu đồng tiền thuê rạp; trong khi giá vé chỉ "dám" để ở mức 200.000 đồng/vé, dù cho bán được 3/4 số ghế trong rạp cũng chưa đủ để trả tiền thuê điểm diễn.

Cũng theo nữ nghệ sỹ Cát Tường, dù những địa điểm thuê có chính sách hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ nhóm nhưng chỉ trong một chừng mực nhất định bởi hợp đồng thuê sân khấu biểu diễn thường không thể ký dài hạn và định kỳ, do chi phí vượt tầm của những nhóm xã hội hóa.

Về vấn đề thiếu hụt các điểm diễn, nghệ sỹ Ưu tú Kim Tử Long cũng cho rằng, hiện Thành phố đang có chủ trương đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nên giải quyết được vấn đề điểm diễn đồng nghĩa với việc các nghệ sỹ sẽ có thêm cơ hội biểu diễn phục vụ nhân dân, thêm điều kiện để được hoàn thiện bản thân qua từng tác phẩm, vai diễn, tiến kịp với trào lưu mà các khán giả trẻ đang mong muốn.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ tăng suất diễn, thêm thu nhập, từ đó giúp loại hình nghệ thuật cải lương có điều kiện lan tỏa xa hơn, tiếp cận được nhiều hơn với công chúng.

Những hoạt động sôi nổi sẽ còn tạo nên sự kích thích và cạnh tranh giữa các đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ sẽ hứng khởi hơn trong việc lao động sáng tạo, cùng với đó các đơn vị sẽ mạnh dạn đầu tư mà không còn phải lo lắng về thiếu khán giả đến xem cải lương.

Hướng đi mới cho sân khấu xã hội hóa

Về những hạn chế còn tồn tại của sân khấu xã hội hóa, Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhiều năm qua, thành phố chưa có chiến lược đầu tư lâu dài thiết thực cho sân khấu, nhất là đối với sân khấu cải lương.

Nỗi niềm sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM: Khao khát điểm diễn xứng tầm ảnh 2Một cảnh của vở diễn "Dạ cổ cầm thi." (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Đề cập tới hướng đi mới cho xã hội hóa sân khấu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần sửa chữa ngay các rạp hát cũ, tổ chức đấu thầu cho các đơn vị xã hội hóa khai thác bởi nếu cứ chờ đợi việc xây dựng các nhà hát đa năng mới, hiện đại sẽ không đáp ứng được nhu cầu của các nghệ sỹ.

Bên cạnh đó, cần khôi phục lại Trung tâm Nghiên cứu sân khấu cải lương của Thành phố Hồ Chí Minh để có những ứng dụng vào thực tế, góp phần thay đổi tình hình hoạt động, tổ chức, biểu diễn cải lương hiện nay.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Ái hữu nghệ sỹ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Dung cho biết, cần có chính sách khôi phục lại các sân khấu cũ cho biểu diễn cải lương, kịch nói, hát bội; có sự phân phối mặt bằng của các trung tâm văn hóa hiện nay, bởi trên địa bàn thành phố còn nhiều diện tích đất cho thuê, trong khi nơi biểu diễn lại khan hiếm.

Nhờ nguồn hỗ trợ từ Nhà nước đầu tư xây dựng, các nhà hát và các đơn vị xã hội hóa sẽ luân phiên biểu diễn để có điều kiện trang trải kinh phí dàn dựng.

Nhiều chuyên gia lĩnh vực văn hóa cho rằng, điều kiện tiên quyết là xác định thực trạng thiếu, thừa cơ sở vật chất của các đơn vị sân khấu xã hội hóa để điều chỉnh cho sát với thực tế nhu cầu và mục đích sử dụng.

Khi tiến hành thiết kế, các đơn vị liên quan cần tham khảo ý kiến của các nghệ sĩ, diễn viên vì họ là người rõ hơn ai hết điều kiện, yêu cầu phù hợp cho loại hình, hoạt động biểu diễn của mình.

Qua đó, các sở, ban, ngành liên quan cần xác định được đơn vị trọng tâm, cần thiết để ưu tiên đầu tư trước, mức độ, cách thức đầu tư phù hợp, bảo đảm công trình, hạng mục hoạt động hiệu quả, lâu dài, tránh tình trạng nơi đầu tư lớn không khai thác hết tính năng “nơi ăn đong từng bữa” hoặc phải “đắp chiếu”, còn đơn vị nghệ thuật vẫn tiếp tục đi diễn nhờ.

Chất lượng xây dựng cũng là điều nhiều nhà hát quan tâm khi trong thực tế đã có không ít công trình như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Chèo Kim Mã… được đầu tư với nguồn kinh phí khá lớn nhưng chất lượng chưa thực sự tương xứng, phù hợp.

Trước đó, cuối tháng 4/2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã duyệt nhiệm vụ tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch có quy mô 1.700 chỗ, với hai khán phòng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) với tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 1.500 tỷ đồng.

Đây là tín hiệu đáng mừng khi ngành Văn hóa Thành phố sẽ có thêm thiết chế mới, đồng thời hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Nhà hát mới sẽ là địa điểm đáp ứng đầy đủ các điều kiện và tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế.

Đó là những chương trình có quy mô vừa chuyên sâu (nhạc hàn lâm, nhạc kịch, vũ kịch và các loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam), vừa đa dụng và có thêm khu vực để có thể tổ chức đào tạo, triển lãm chuyên ngành, các buổi hội nghị và hội thảo.

Nhà hát mới được xây tại góc cầu Thủ Thiêm 2 (hướng từ Quận 1 qua Thủ Thiêm) - được cho là vị trí đắc địa kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn.

Ngoài nhà hát, nơi đây còn có các công trình quan trọng như: Quảng trường trung tâm; Trung tâm hội nghị triển lãm; Trung tâm triển lãm quy hoạch, Bảo tàng...

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng Nhà hát giao hưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế là vô cùng thiết yếu và cấp bách. Đây sẽ là công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh.

Có thể nói, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại đang là yêu cầu cần thiết, cấp thiết của nhiều nghệ sỹ, đơn vị biểu diễn nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Đó là cơ sở đầu tiên để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần; là nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo và tập hợp ý chí, quyết tâm của những người đang làm công tác nghệ thuật ở thành phố.

Tuy nhiên, để tạo nên những thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển, để phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế, đòi hỏi sự quan tâm của các sở, ban, ngành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa con người thành phố và toàn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục