Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiến hành một ca phẫu thuật cấp cứu trồng lại ngón tay đứt rời cho bé trai 11 tuổi.
Cụ thể vào ngày 3/6 bệnh viện tiếp nhận trường hợp em H.V.H (11 tuổi, đến từ Bắc Ninh) trong tình trạng đứt rời hoàn toàn đốt xa ngón 2 tay phải.
[Cần Thơ: Một bệnh nhân suýt mất cánh tay vì 'thầy lang vườn']
Mẹ bé kể lại, H. khi bổ quả bưởi, do không cẩn thận, H. đã bị đứt rời đốt ngón 2 tay phải và gia đình đưa trẻ vào bệnh viện huyện. Sau khi được sơ cứu tại đây, bé được chuyển thẳng lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Tại Bệnh viện Việt Đức, bé H. đã được các bác sỹ chẩn đoán đứt rời hoàn toàn đốt ngón 2 tay phải và tiến hành phẫu thuật cấp cứu trồng lại ngón tay đứt rời cho bé.
Bác sỹ Đào Văn Giang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt-Tạo hình-Thẩm mỹ cho hay đứt rời đốt xa ở trẻ em là một tổn thương hiếm gặp và khó khắc phục do mạch máu rất nhỏ. Kíp mổ đã phải tiến hành nối gân, nối xương, nối thần kinh và mạch máu kích thước chỉ từ 0,4-0,5mm.
Các bác sỹ phải dùng những sợi chỉ phẫu thuật nhỏ hơn sợi tóc để khâu nối, đảm bảo mạch máu lưu thông, hồi sinh chi thể đứt rời cho người bệnh.
Ca phẫu thuật kéo dài trong 4 tiếng đã diễn ra thành công, ngón tay của trẻ được bác sỹ nối lại, đầu chi hồng ấm và có dấu hiệu phục hồi tốt.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn sinh hoạt hi hữu đứt rời chi thể ở trẻ em, có trường hợp cháu bé chơi nghịch máy cắt thuốc lào hay máy cắt giấy bị đứt rời ngón tay hoặc có trường hợp bị đứt rời bàn chân.
Bác sỹ Giang khuyến cáo phụ huynh nên để ý con em mình để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Trong các trường hợp không may xảy ra tai nạn đứt rời chi thể, người dân cần cho phần chi thể vào một túi ni lông sạch buộc lại, để trong một túi ni lông khác đựng nước, buộc chặt rồi đặt trong thùng đá lạnh, đảm bảo chi thể đứt rời được giữ nhiệt độ trong khoảng từ 4-10 độ C. Sau đó chuyển đến bệnh viện gần nhất để sơ cứu kịp thời./.