Sau một thời gian phát triển “nóng” và tạo sức bật về hạ tầng giao thông, năm 2016 vừa qua có thể là một năm “chững lại” của Bộ Giao thông Vận tải khi rất ít dự án giao thông được đầu tư triển khai.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) dự báo, năm 2017, ngành giao thông phải tập trung phát triển hạ tầng giao thông đô thị để giảm ùn tắc, tái cơ cấu vận tải, chú trọng đến công tác quy hoạch đặc biệt là cân nhắc và xem xét kỹ việc đầu tư vào các tuyến đường cao tốc Bắc Nam và đường sắt cao tốc trong thời gian tới.
Theo ông Thủy, tại các đô thị, hạ tầng giao thông và giao thông công cộng phải phát triển với tốc độ nhanh hơn vì nếu không ùn tắc giao thông sẽ là vấn nạn cực kỳ nặng nề.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, ngành giao thông nên tập trung phát triển giao thông đường biển và đường thủy. Đường sắt Bắc-Nam hiệu quả thấp nên phải dùng xe container chuyên chở lớn "phá" đường bộ. Theo ông, chưa tính chi phí đường cao tốc quá đắt thì nên phát triển đường thủy Bắc-Nam, dùng những đoàn tàu nghìn tấn trở lên để chở hàng hóa sau đó đi đường ngang vào, tàu có thể đi thẳng vào sông Hậu, Cần Thơ từ đó hàng hóa đi thẳng ra biển và các hướng khác mà không phải trung chuyển qua cảng Sài Gòn...
Ngoài ra, lĩnh vực hàng không nâng cấp các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, xây dựng nhanh sân bay Long Thành. Đường bộ nên giảm bớt đường cao tốc, xây dựng đường thật cần thiết để tập trung cho giao thông đô thị.
Ông Thủy cũng nhìn nhận, ngành giao thông nên chú ý vấn đề quy hoạch đồng thời ông cũng đặt ra câu hỏi có nên vội vàng làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam hay không vì tốn 56 tỷ USD tức là bằng cả nền kinh tế?
“Đường sắt cao tốc nên trình Chính phủ vào năm 2030 và đến năm 2040-2050 triển khai. Đường sắt cao tốc là ‘một giấc mơ’ chưa nên làm. Trong thời gian này, nên nâng cấp đường sắt Bắc-Nam từ khổ 1.000mm lên thành 1.435mm, đường đơn thành đường đôi và chi phí rơi vào khoảng 10-12 tỷ USD sẽ đạt lưu tốc đoàn tàu 100-120km/giờ, năng lực vận tải tăng gấp 2-3 lần. Nếu chúng ta quá nóng ruột làm đường sắt cao tốc thì chả khác gì ‘nhà tranh nhưng đặt điều hòa’,” ông Thủy bày tỏ quan điểm.
Đặc biệt, ông Thủy cũng cảnh báo lưu ý kỹ về dự án đường cao tốc Bắc-Nam khi triển khai thêm nữa thì quá nhiều vì trục Bắc-Nam hiện có 5 tuyến là đường biển - vốn là giấc mơ của các nước để giảm bớt đường bộ, nâng cao hiệu quả vận tải, đường sắt Bắc-Nam, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1.
“Tất nhiên đầu tư càng nhiều hạ tầng giao thông thì càng tốt nhưng trong điều kiện những cái khác cần hơn thì nên điều chỉnh cho hợp lý và nâng cao hiệu quả,” ông Thủy nói.
Đề cập về nguồn vốn “rót” vào ngành giao thông, theo ông Thủy, một số quốc gia vẫn muốn đầu tư vào nước ta làm đường cao tốc hay những công trình cần thiết nhưng cái quan trọng công tác quy hoạch phải thật hợp lý để nguồn vốn nhà đầu tư nước ngoài vào nhanh gọn, không như nguồn đầu tư từ Trung Quốc ở một số dự án gây nhiều khó khăn như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông thi công kéo dài, xảy ra nhiều sự cố và gây bức xúc và giảm lòng tin của nhân dân.
“Đầu tư xã hội hóa nguồn lực vẫn còn bởi nhà đầu tư vẫn đang tập trung nhiều vào các dự án bất động sản. Vậy tại sao không kéo nguồn vốn này qua giao thông? Chẳng qua là không có chính sách. Nếu có chính sách hợp lý thì thu hút được nhiều vốn của xã hội hóa vào các dự án giao thông,” vị chuyên gia này khẳng định./.