Nóng vấn đề "dự án ma" trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Theo Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 7/8 "dự án ma" của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba trên địa bàn thị xã Phú Mỹ giúp công ty này bán được 3.333 nền đất cho người dân, thu về hơn 771 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Chiều 17/7, buổi chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa VI đã "nóng" ngay từ đầu với phần chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường về tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Qua chất vấn, trả lời chất vấn, nhiều vấn đề được phơi bày cho thấy công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn rất hạn chế.

Theo Hội đồng Nhân dân tỉnh, tính đến nay toàn tỉnh có tới 192 mảnh đất nông nghiệp đã biến thành những "dự án bất động sản," trong đó, có 62 "dự án" được chính quyền địa phương cấp huyện chấp thuận về chủ trương.

Đây được gọi là các "dự án bất động sản" vì đã được đo vẽ, làm cơ sở hạ tầng, phối cảnh dự án và phân lô rao bán hoặc xin tách thửa nhưng có chừa làm đường, trong đó "dự án" lớn nhất lên tới 13ha và nhỏ nhất là 0,5 ha.

Địa phương nhiều nhất là Thị xã Phú Mỹ với 113 "dự án,"  tiếp đến là thành phố Bà Rịa và huyện Long Điền.

Các "dự án bất động sản" trên được gọi là "dự án ma" vì không nằm trong quy hoạch, không có cấp thẩm quyền phê duyệt, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh giải thích các "dự án ma" nở rộ thời gian qua bắt nguồn từ tình trạng "sốt đất" và các đối tượng lợi dụng kẽ hở cho phép tách thửa diện tích tối thiểu 500m2 đối với đất nông nghiệp tại Quyết định số 23 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành ngày 15/9/2017.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh đánh giá mục đích của Quyết định 23 là rất tốt, để giúp cho người dân có điều kiện chia tài sản cho con cái hoặc bán một phần đất để có tiền lo thuốc thang khi ốm đau...

[Loay hoay việc quản lý tách thửa, phân lô và bán nền tự phát]

Vấn đề đặt ra trong tình trạng này là vai trò của cơ quan quản lý chuyên môn, chính quyền địa phương khi các đối tượng lợi dụng kẽ hở trên, tách thửa với mục đích thương mại, phân lô rao bán công khai (cả trên mạng, tại lô đất, phát tờ rơi) và xảy ra trong thời gian dài (từ năm 2018) nhưng không hề bị phát hiện, xử lý.

Cũng theo ông Trần Phúc Chỉnh, qua giám sát, Hội đồng Nhân dân phát hiện một thực trạng là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cho phép tách thửa đối với thửa đất nhưng địa phương ở cấp cơ sở không hề được thông báo, không nắm được thông tin.

Đến khi phát hiện có hiện tượng làm đường, phân lô trên thửa đất nông nghiệp, chính quyền cấp cơ sở báo lên thì không hề được phản hồi, hỗ trợ, khiến chính quyền nhiều khi đuối lý với chủ đất.

Đại biểu Huỳnh Văn Danh, Bí thư Thị ủy Phú Mỹ thông tin địa phương đã phát hiện ra tình trạng phân lô, bán nền và đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng có giải pháp xử lý. Nhưng sự việc không được quan tâm, hỗ trợ sau đó.

Thậm chí, đại biểu Phạm Thành Chung, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh cho biết các đối tượng không hề lén lút làm hạ tầng cho các "dự án ma," mà công khai, ngay cả khi đoàn kiểm tra, giám sát có mặt, cho thấy các đối tượng rất tự tin.

Vì vậy, ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh nhận xét rằng "cứ gọi đây là dự án ma nhưng chẳng hề ma chút nào vì các đối tượng rất ngang nhiên làm đường, đặt cống, trồng cột điện."

Các "dự án ma" này đang và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, dai dẳng cho người dân và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ tính riêng 7/8 "dự án ma" của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, công ty này đã bán được 3.333 nền đất cho người dân, thu về hơn 771 tỷ đồng.

Nếu như các nền đất ở đây không được tách, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ sở hạ tầng (đường, thoát nước, điện) kém chất lượng, hạ tầng xã hội về trường học, y tế không đi kèm thì người dân đến mua đất ở chắc chắn sẽ xung đột, khiếu kiện chủ dự án, gây mất an ninh trật tự và tỉnh phải lo giải quyết.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá: "Việc để xảy ra các 'dự án bất động sản ma' thời gian qua cho thấy công tác phối hợp của các cơ quan chức năng với nhau, với chính quyền địa phương là rất hạn chế, phát hiện chậm và xử lý không quyết liệt.

Trong thời gian tới, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ phải ngồi lại để khắc phục tình trạng yếu kém trong phối hợp, quản lý, xử lý cũng như khắc phục hậu quả của các 'dự án bất động sản ma' gây ra trên địa bàn. Đây là bài học lớn cho tỉnh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục