Thời gian là thứ có thể định hình, định dạng, và có thể định mùi. Quyển sách mới có mùi như bánh mỳ vừa ra lò, quyển sách để lâu trên tủ có mùi khô khốc mốc meo. Bông hoa vừa cắm trên lọ tươi rói, vài ngày sau đã thấy mùi của sự tan rã. Chiếc chăn được giặt sạch sau vài ngày ủ ấm đã mang mùi da thịt của bạn.
Nhưng có một mùi của thời gian, phải trải qua hàng triệu triệu năm mới có thể định hình, định dạng thành những tinh thể có màu vàng trong, và định mùi ngọt nhẹ, ấm áp như lửa cháy. Ấy chính là hổ phách.
Mật của đất trời
Hổ phách là nhựa của một loài thông cổ, chúng ngấm xuống đất hoặc chảy vào thân cây rỗng phía trong. Trải qua triệu triệu năm nằm im lặng, hấp thụ tinh khí của đất, sương của trời, hổ phách kết tinh và trở thành chứng nhân của thời gian. Thế nên, người ta vẫn gọi hổ phách bằng những cái tên mỹ miều như giọt nước mắt của Mặt Trời, mật của đất, kết tinh của ánh sáng, cánh cửa bước vào quá khứ… Ở Việt Nam, hổ phách có nhiều tên gọi khác nhau huyết phách, minh phách, hồng tùng chi…
Hổ phách có mùi gì?
Hổ phách là nhựa cây nên mang mùi ấm của gỗ và chút ngọt của hương vani, tùy theo vùng đất xuất xứ mà mùi có thể nồng hơn hoặc nhẹ hơn. Hai nguồn xuất xứ chính của hổ phách hiện nay là từ các quốc gia vùng Baltic và Cộng hòa Dominica.
Hương thơm ngọt của hổ phách trong quá trình kết tinh thu hút côn trùng đến và hóa thạch cùng. Mùi hương ấm nồng ấy thích hợp với những ngày đầu đông, khi mà vạn vật bắt đầu ngưng đọng và kết tụ bởi không khí lạnh.
Hổ phách cũng rất được ưa chuộng ở phương Đông bởi hương thơm có vị cháy đậm mùi huyền bí. Hổ phách thường được đặt ở tầng hương cuối, sau khi các vị ngọt hoa quả, mùi cây cỏ, mùi gỗ đã tan trong không khí, thì mùi hổ phách vẫn còn nồng đượm trên da.
Mang hổ phách bên mình là mang tinh túy của đất trời hội tụ. Ướp một giọt hổ phách lên da cũng giống như khoác một tấm áo hoài niệm, vừa ngọt ngào vừa ấm áp./.