Hiện nay, việc ứng dụng các kỹ thuật cao trong điều trị đã áp dụng thành công khi nhiều ca bệnh khó được cứu chữa, nâng tầm của y học Việt Nam. Thông qua các thành tựu đó, những năm gần đây, các bệnh viện trong nước ngày càng đón tiếp nhiều người nước ngoài đến chữa trị.
Mới đây, một tỷ phú người Đài Loan lâm bệnh nặng trong chuyến thăm Việt Nam, được các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) phẫu thuật cứu sống. Xuất viện về nước, bệnh nhân đã ủng hộ 100.000 USD cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để đơn vị này đưa bác sỹ sang Đài Loan học hỏi trong lĩnh vực ghép tạng.
[Thực hư thông tin về việc xuất khẩu máu ra nước ngoài?]
Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có những chia sẻ về công tác khám chữa bệnh cho người nước ngoài?
- Thưa giáo sư Trần Bình Giang, những khó khăn, thuận lợi trong việc khám chữa bệnh cho người nước ngoài hiện nay là gì?
Giáo sư Trần Bình Giang: Với chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và nhà nước, số người nước ngoài đến Việt Nam kinh doanh và công tác ngày càng nhiều.
Ngoài ra, người nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam cũng không hề ít, đi kèm theo đó là nhu cầu chăm sóc về y tế. Vì vậy, vấn đề đặt ra với ngành y tế phải làm sao để đáp ứng được như cầu của người bệnh.
Thứ nhất, chúng ta phải thu hút được người nước ngoài ở lại Việt Nam chữa bệnh. Hiện tại công tác tuyên truyền chưa được tốt, nên có nhiều người nước ngoài làm ở các văn phòng đại diện, hay khách du lịch gặp tai nạn, thường sẽ yêu cầu S.O.S quốc tế để chuyển sang các nước khác, có thể chỉ là trong khu vực, như Singapore… trong khi đó chúng ta hoàn toàn có thể điều trị được.
Thứ hai, ở những bệnh viện lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... cũng đã triển khai chữa bệnh cho người nước ngoài nhưng chưa có tính chất hệ thống. Điển hình như ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là người Campuchia, Hà Nội chủ yếu là người Lào.
- Thời gian qua, các bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cứu chữa thành công cho nhiều bệnh nhân là người nước ngoài. Xin ông chia sẻ về một số ca bệnh đặc biệt?
Giáo sư Trần Bình Giang: Gần đây có một cô bé 14 - 15 tuổi người Ukraine sang Việt Nam thăm người nhà, bị buồn nôn liên tục. Khi vào bệnh viện kiểm tra thì phát hiện mắc một hội chứng rất đặc biệt là “hội chứng ăn tóc.” Bệnh nhân tự dứt tóc mình để ăn, tóc vào trong dạ dày không tiêu hóa được, đóng bánh, nên bị tắc ruột.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được bác sỹ Bệnh viên Việt Đức mổ nội soi, chữa trị.
Chúng tôi cũng đã từng mổ thành công cho đại sứ Qatar mắc bệnh sỏi túi mật và nang thận…
- Tại Bệnh viện Việt Đức, có trường hợp người Việt Nam sang nước ngoài chữa bệnh gặp biến chứng phải quay trở lại điều trị không?
Giáo sư Trần Bình Giang: Gần đây, bệnh viện đã phẫu thuật cho một bệnh nhân nữ sau khi đi nước ngoài điều trị về. Bệnh nhân đã sang Singapore phẫu thuật mổ cắt tử cung, xử lý nhau tiền đạo, chi phí hết 50.000 USD, nhưng gặp biến chứng.
Sau đó, bệnh nhân trở về Việt Nam, phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức với chi phí chỉ với hơn 17 triệu đồng, trong khi nếu điều trị tại Singapore phải mất 60.000 USD.
- Để người nước ngoài tin tưởng các bệnh viện ở Việt Nam để điều trị, theo giáo sư, chúng ta cần có những sự thay đổi nào?
Giáo sư Trần Bình Giang: Bệnh viện Việt Đức đang gỡ nhiều “nút thắt” để làm sao để phát triển trở thành một cơ sở điều trị theo yêu cầu tầm cỡ quốc tế, thu hút được người Việt Nam ở nước ngoài về nước chữa trị, hay bệnh nhân nước ngoài lựa chọn ở lại Việt Nam để điều trị bệnh.
Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai kết hợp với các công ty bảo hiểm giới thiệu bệnh nhân nước ngoài đến điều trị tại bệnh viện.
Trước tình hình đang bị quá tải các giường bệnh, Bệnh viện Việt Đức mong muốn kết hợp với các bệnh viện tư nhân, chẳng hạn như Vinmec - để tận dụng cơ sở vật chất hiện đại của các bệnh viện tư nhân với đội ngũ bác sỹ đầu ngành của chúng tôi để đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
Ngoài ra, chúng tôi mong muốn trong xây dựng Khoa Quốc Tế - quy mô 200 giường bệnh, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế trong thời gian sớm nhất.
Không chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức, theo tôi, để thu hút bệnh nhân là người nước ngoài đến điều trị thì các cơ sở y tế cần nỗ lực phát triển hệ thống điều trị theo yêu cầu, trong đó chú ý tới những điểm như tận dụng đội ngũ chuyên gia, những người có trình độ, được đào tạo bài bản, được tiếp xúc với nền y học tiên tiến nhất trên thế giới.
Hai là phải tận dụng những phương tiện máy móc hiện đại, tiếp tục trang bị thêm các máy móc trang bị hiện đại hơn nữa.
Ba là phải thu hút được người bệnh, giảm tải các thủ tục hành chính nặng nề, tình trạng quá tải đông đúc, khiến cho bệnh nhân có điều kiện tại Việt Nam ngại đến các bệnh viện như Việt Đức.
- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!./.
Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), những năm gần đây, số lượng bệnh nhân nước ngoài tại các cơ sở y tế trong nước đang tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2014, có hơn 234.000 người nước ngoài đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, số lượt điều trị nội trú là hơn 26.000 người thì năm 2018 đã có hơn 300.000 lượt người nước ngoài khám bệnh tại Việt Nam và số lượt điều trị nội trú đã tăng hơn 2 lần (khoảng 57.000 lượt người). |