Condotel (căn hộ khách sạn) có thật sự gỡ được nút thắt sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chấp nhận quyền sở hữu của công trình xây dựng không phải nhà ở đã trở thành nội dung được quan tâm trên thị trường và các diễn đàn bất động sản.
Thậm chí chủ đề này cũng được đề cập và đưa ra bàn luận tại hội nghị lấy ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản vừa tổ chức tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, động thái hướng dẫn cấp “sổ đỏ” cho condotel thể hiện việc cơ quan chức năng đã lắng nghe đề xuất của giới doanh nghiệp.
Sau một thời gian phân khúc này lao dốc, việc xác lập tính pháp lý cho loại hình condotel được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư mong ngóng.
Bởi vậy, văn bản 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phát hành đã được tiếp nhận nhanh chóng. Thế nhưng, thông tin từ văn bản này cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
[Cấp giấy khai sinh cho căn hộ du lịch: Condotel có cơ hội “hồi sinh”]
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, theo ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, văn bản của Tổng cục là hướng dẫn các địa phương dựa trên những quy định đã có trong các luật. Văn bản gửi đi chỉ là văn bản hướng dẫn chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật.
Trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho bên nhận chuyển nhượng được thực hiện theo Nghị định 43/2014 và Nghị định 01/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Việc cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng ở đây là cấp theo thời hạn của dự án. Khi giao đất, cho thuê đất thương mại, dịch vụ thực hiện dự án thì đều có thời hạn không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm. Vì vậy, khi cấp giấy chứng nhận cũng sẽ theo thời hạn 50 hoặc 70 năm - ông Phấn phân tích.
Bởi vậy, tại văn bản cũng nói rõ cần tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Sau rà soát, với những trường hợp giao, cho thuê đất đúng theo quy định, xây dựng đúng theo quy hoạch, thiết kế, có thể cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
Mối quan tâm không chỉ dừng lại ở việc cấp “sổ đỏ” cho condotel mà các chuyên gia cũng đưa ra các kiến nghị với Bộ Xây dựng về các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình bất động sản này.
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, condotel khi bán cho khách hàng cần phải được xác định diện tích thuộc sở hữu riêng, diện tích thuộc sở hữu chung và có thể áp dụng tương tự như cách tính sở hữu riêng theo pháp luật về nhà ở đã quy định.
Hiện văn bản Quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng mới chỉ quy định cách tính diện tích sử dụng condotel theo kích thước thông thủy.
Do đó, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ quy định cách tính phần diện tích condotel thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung, tương tự như cách tính đối với căn hộ chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở để làm cơ sở cấp "sổ đỏ" cho người mua condotel.
Cùng đó, HoREA dẫn chứng việc văn bản "Quy chuẩn xây dựng" của Bộ Xây dựng chỉ quy định loại hình condotel là "căn hộ nằm trong nhà chung cư hỗn hợp."
Trong khi đó, trên thực tế, condotel tại các khu du lịch nghỉ dưỡng thường được xây dựng thành một tòa nhà cao tầng riêng biệt.
Như vậy, hàng loạt những “nút thắt” của phân khúc condotel vẫn tiếp tục phải chờ tháo gỡ./.