Tình hình Biển Đông đang trở thành tâm điểm của cả thế giới khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương (Haiyang) 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, với sự hộ tống của nhiều tàu và máy bay.
Tờ báo uy tín New York Times (NYT) của Mỹ đã có bài bình luận về sự kiện này. Vietnam+ xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Niềm kiêu hãnh của ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc nằm tại giàn khoan nước sâu đầu tiên của nước này, Hải Dương (Haiyang) 981, thực chất là một con tàu lớn bằng sân bóng đá, cao bằng tòa nhà 40 tầng, có giá tới 1 tỷ USD.
Tuần trước nó đã bò ra biển Đông, được các tàu kéo hạng nặng lôi đi, và dừng chân tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nó đã châm ngòi cho những cuộc đụng độ, với hàng chục tàu hải quân của Việt Nam và Trung Quốc húc nhau, với tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng bắn vào đối phương. Cuộc đụng độ đã đe dọa sẽ đẩy một khu vực nổi tiếng vì hoạt động phát triển kinh tế tới bất ổn tăng cao.
Trung Quốc coi giàn khoan là “lãnh thổ di động”
Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc không hề ngần ngại trong việc tuyên bố chủ quyền với phần lớn biển Đông. Nhưng thông qua việc đưa một giàn khoan đắt tiền tới vùng nước tranh chấp, nước này giờ thể hiện việc sẵn sàng hành động trước và sử dụng biện pháp ngoại giao sau. Nước này đang cố thiết lập "các thực tế" tại vùng biển tranh chấp và cuối cùng Mỹ sẽ phải chấp nhận điều này hoặc chiến đấu chống lại.
Trung Quốc phát tín hiệu sẽ tiến hành các biện pháp đơn phương vào năm ngoái, khi tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, chồng lên các quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản. Trong cuộc chiến về ý chí với Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng một công cụ mới và có tiềm năng mạnh: ngành công nghiệp dầu khí và các giàn khoan mà một quan chức của một công ty dầu khí quốc gia từng tuyên bố là "lãnh thổ di động".
Việc điều giàn khoan được xem là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong quyết tâm của Trung Quốc nhằm thống trị biển Đông, bởi việc khai thác dầu cần khoản đầu tư và thường là cả sự bảo vệ lớn. Trong trường hợp của Trung Quốc, sự bảo vệ đã được đảm bảo bởi các tàu của nước này, gồm tàu hải quân.
"Trung Quốc đang tiến từng bước một, nâng cao sự hiện diện ở biển Đông, nhưng việc này đã quá ngưỡng rồi" - Holly Morrow, một nhà nghiên cứu ở chương trình Địa chính trị vì năng lượng tại Đại học Harvard, người từng ở trong Ủy ban An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận xét.
Không rõ liệu màn đánh bạc của Trung Quốc sẽ kết thúc theo cách giới lãnh đạo nước này hy vọng hay không. Hai năm trước trung Quốc đã có thể giành lấy một bãi đá tranh chấp với Philippines mà không phải chiến đấu, bằng cách từ chối tuân thủ theo một thỏa thuận do Mỹ đóng vai trò trung gian.
Người Philippines rút đi như đã hứa. Nhưng phía Trung Quốc thì không và còn giành lấy quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough cùng nguồn cá giàu có ở nơi đây.
Tuy nhiên Việt Nam đã chứng minh mình là đối thủ khó nhằn, khi gửi tàu ra chặn đội tàu Trung Quốc, kết hợp với việc phản đối trên các diễn đàn quốc tế.
Trung Quốc muốn thử thách Tổng thống Mỹ Obama
Thời điểm của động thái do Trung Quốc thực hiện được một số chuyên gia trong khu vực xem là bài thử đối với các quốc gia Đông Nam Á mà cả với Tổng thống Mỹ Barack Obama, sau khi ông tuyên bố gần đây rằng sẽ ủng hộ các đồng minh Mỹ ở châu Á để đương đầu với một Trung Quốc đã mạnh hơn.
Một quan chức ngoại giao châu Á có mối quan hệ tốt trong khu vực cho biết nhiều người có cảm nhận sau chuyến thăm châu Á mới đây của ông Obama rằng Mỹ muốn tránh việc đụng độ trực tiếp với Trung Quốc trong vấn đề tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Tại một cuộc họp báo ở Manila, Philippines, ông Obama đã né tránh các câu hỏi về việc liệu Washington có bảo vệ Philippines nếu một cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thành xung đột vũ trang. Ông chỉ nói: "Chúng tôi không nghĩ rằng hành động mang tính ép buộc và hăm dọa là cách để giải quyết các tranh chấp này".
Vài ngày trước đó, ông đã có các tuyên bố mạnh mẽ hơn để ủng hộ Nhật Bản, trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Hôm 9/5, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Benjamin J. Rhodes ra tuyên bố cho biết Mỹ đã khẳng định lập trường phản đối các bước đi đơn phương hoặc đe dọa dùng vũ lực do phía Trung Quốc thực hiện. Mỹ cũng đã tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh, gồm Philippines.
“Chúng tôi đã tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi với các hiệp ước tương trợ quốc phòng cùng các đồng minh trong khu vực và đã ủng hộ Philippines giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế" - ông Rhodes nói.
CNOOC là “diễn viên chính trị”
Ít người tin rằng tìm kiếm năng lượng là động cơ chủ đạo của việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào thềm lục địa Việt Nam.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà địa chất và công ty năng lượng lớn đã tranh cãi về việc liệu đáy biển Đông có chứa lượng dầu khí mang lại giá trị kinh tế cao hay không. Nhiều người nghi ngờ rằng khu vực này, đặc biệt là những vùng nước quanh Hoàng Sa, nơi giàn khoan sẽ di chuyển và thăm dò, có chứa trữ lượng dầu khí lớn.
“CNOOC là một doanh nghiệp nhưng cũng là diễn viên chính trị nữa" - Morrow nhận xét - "Chuyện này chưa bao giờ chỉ liên quan riêng tới năng lượng. Nó còn liên quan tới chủ quyền nữa".
Tuy nhiên theo giải thích từ Tân Hoa Xã, công ty đã muốn khoan khai thác khu vực nhờ kết quả tích cực thu được từ các cuộc thăm dò địa chấn 3 chiều tiến hành hồi tháng 5 và 6 năm ngoái. Trước đó việc thăm dò địa chấn 2 chiều mang tới kết quả kém tin cậy hơn.
Một động cơ nữa để phía Trung Quốc tiến hành khoan thăm dò là khu vực này nằm gần với 2 điểm thăm dò nơi tập đoàn Exxon Mobil từng phát hiện các giếng dầu khí lớn hồi năm 2011 và 2012.
“Việc Trung Quốc điều giàn khoan tới khu vực này không hoàn toàn chỉ vì mục đích khiêu khích" - Peter Dutton, giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc tại Đại học chiến tranh Hải quân Mỹ ở Rhode Island nhận xét./.