Người Việt tại Pháp phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan

Cộng đồng nhiều Hội, đoàn Việt Nam tại Pháp ra Tuyên bố chung phản đối hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào Việt Nam.
Người Việt tại Pháp phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan ảnh 1Tiến sỹ Nguyễn Hoài Tưởng (trái) và phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Khương (phải), hai thành viên tích cực của Nhóm Biển Đông tại Pháp, trả lời phỏng vấn TTXVN bên lề một hội thảo tại Paris. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 11/5, cộng đồng nhiều Hội, đoàn Việt Nam tại Pháp đã ra Tuyên bố chung phản đối hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan di động Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) từ ngày 2/5 vừa qua vào khu vực nằm cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đại diện các Hội, đoàn gồm Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam (AVSE), Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), nhóm Biển Đông tại Pháp (BDTP), Hội Xây dựng, Cơ học và Vật liệu (GCMM), Hội Cầu Đường Pháp (CDP), và các Hội sinh viên Việt Nam tại Montpellier và tại Nantes, đã nhóm họp ngày 8/5 tại Nhà Việt Nam (Foyer Vietnam) tại Paris để phản đối hành động bất hợp pháp của Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi khu vực.

Tuyên bố chung của các Hội, đoàn nhấn mạnh hành động đơn phương này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh khu vực và vi phạm nguyên tắc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình.

Tuyên bố có đoạn viết: "Việt Nam là nước có quyền chủ quyền và quyền tài phán trên mọi hoạt động thăm dò, khai thác trong vùng này. Bất kỳ quốc gia nào muốn khai thác trong vùng này đều phải có sự đồng ý của Việt Nam. Vì vậy, hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Các hành động của Trung Quốc đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN vào năm 2002, theo đó các bên không làm căng thẳng thêm tình hình và nỗ lực giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế."

Tuyên bố cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước có tuyên bố chủ quyền, lên tiếng phản đối hành động kiêu khích và xâm lược của chính quyền Trung Quốc, vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đức Khương, nguyên Chủ tịch nhóm Biển Đông tại Pháp (BDTP), Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam (AVSE), nói : "Là một công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Pháp, tôi nhận thấy hành động này là đáng bị lên án, đây là một hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ và quyết liệt để cho cộng đồng quốc tế hiểu được rằng hành động của Trung Quốc không chỉ xâm hại đến chủ quyền của Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an ninh, chính trị trong khu vực, bởi vì hành động đó không tuân thủ bất kỳ một quy tắc nào của luật pháp quốc tế."

Theo tiến sỹ Nguyễn Hoài Tưởng, Phó Chủ tịch Hội AVSE, thành viên Nhóm Biển Đông tại Pháp, vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là việc làm có tính chất xâm lược, đây là điểm khác biệt so với vụ cắt cáp của tàu Bình Minh II và Viking II trước đây. "Chính vì vậy, việc người Việt Nam ở bất kỳ nơi nào trên trái đất phản ứng là rất tự nhiên.

Chúng ta cần có sự liên kết cộng đồng để tạo thành sức mạnh nhằm ngăn chặn những hành động tương tự tiếp diễn trong thời gian tới," tiến sỹ nói.

Nhóm Biển Đông tại Pháp được thành lập vào năm 2011, sau cuộc biểu tình ngày 24/06/2011 của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp chống lại việc Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh II trong vùng lãnh hải của Việt Nam.

Nhóm hoạt động dựa trên tinh thần duy lý và hòa bình với nhiệm vụ là nghiên cứu tìm hiểu về các tranh chấp cũng như các phức tạp trong việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo trong vùng Biển Đông.

Nhóm hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện và tự giác. Các thành viên trong nhóm đều không phải là người chuyên về công luật quốc tế, nhưng qua quá trình làm việc, các thành viên vốn là các trí thức trẻ, mang trong mình nhiệt huyết và tinh thần yêu nước, đã tự tạo cho mình vốn kiến thức để có thể nắm bắt được những diễn biến về địa chính trị, thay đổi về cách hành xử của các nước có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông, qua đó tuyên truyền rộng rãi để người Việt tại Pháp và nhiều nơi trên thế giới, bạn bè Pháp và quốc tế hiểu được bản chất các tranh chấp tại khu vực Biển Đông.

Thông qua mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức của Việt Nam, Pháp và nhiều nước trên thế giới, nhờ vốn kiến thức và khả năng ngoại ngữ tốt, nhóm Biển Đông tại Pháp mong muốn góp phần tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và cùng phát triển tại khu vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục