Ngay trước Tết Bính Thân, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã được Bộ Chính trị phân công giữ trọng trách Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia tay ngành giao thông với nhiều thành tựu được nhân dân ghi nhận, ông Đinh La Thăng cho rằng, lời hứa duy nhất mà ông chưa thực hiện được với người dân và coi đón là món nợ chính là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Đồng lòng từ Bộ trưởng cho đến người gác chắn tàu
- Năm 2015 là năm đặc biệt có ý nghĩa với ngành Giao thông vận tải khi kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập đồng thời cũng là năm ngành Giao thông vận tải đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu nổi bật ở nhiều lĩnh vực. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả này?
Ông Đinh La Thăng: Tôi đã nhiều lần bày tỏ suy nghĩ của mình, rằng muốn nhường mọi sự đánh giá cho dư luận. Chúng tôi làm được gì, chưa làm được gì, thông qua các phương tiện truyền thông, hãy để người dân đưa ra đánh giá.
Mặt khác, có những công việc đòi hỏi một lộ trình thực hiện liên tục, bỏ qua mọi quy định ước lệ về thời gian. Không dễ để đưa ra một tổng kết. Chẳng hạn nhiệm vụ đổi mới cung cách làm việc, huy động nguồn lực, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu lại sản xuất, giảm thiểu tai nạn giao thông… Mà đấy mới chỉ là những nhiệm vụ kể tên được.
Tôi luôn muốn cấp dưới của mình hiểu rằng, trong năm 2015, toàn ngành thực sự đã có những nỗ lực rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ, đã tạo ra những thay đổi rõ nét, được xã hội ghi nhận nhưng không ai nên coi đó là lý do để xả hơi. Tôi cũng không muốn làm công việc liệt kê các con số, bởi bạn có thể tìm thấy bất cứ lúc nào trên nhiều loại hình thông tin.
Những đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước về năng lực hạ tầng, về cải cách hành chính, về cổ phần hóa các doanh nghiệp, hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật trong kinh doanh… đối với các bộ, ngành trong đó có Bộ Giao thông Vận tải đều được công bố rộng rãi tại nhiều diễn đàn, cổng thông tin, tôi không muốn làm mất thêm thì giờ của bạn đọc.
Còn nếu bạn nhất định muốn tôi nói điều gì về những công việc chúng tôi đã làm trong năm 2015 thì tôi sẽ nói rằng, trong năm qua, cả tập thể cán bộ công nhân viên ngành Giao thông chúng tôi, từ Bộ trưởng cho đến người gác chắn tàu, mỗi người đều nhận thức được trách nhiệm của mình, đã cùng chung sức chung lòng, đồng tâm hiệp lực, ở mức độ cố gắng có thể nói là cao nhất từ trước tới nay trong việc thực thi mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
“Chúng tôi không định đổ lỗi cho ai”
- Lời hứa làm đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam của ông đến nay vẫn chưa thực hiện được. Còn hệ thống đường sắt đô thị, tiêu biểu là dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đang gặp rất nhiều vấn đề như đội vốn, chậm tiến độ, nhân dân có phần e ngại với chất lượng dự án này… Tại sao lại để xảy ra tình trạng như vậy và Bộ trưởng có nhận thấy đây là trách nhiệm của mình?
Ông Đinh La Thăng: Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực Giao thông Vận tải trong phạm vi cả nước. Và những vấn đề bạn hỏi cũng không phải là ngoại lệ.
Về hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, mặc dù tôi không thể tự ý đưa ra quyết định, nhưng tôi luôn coi đó là món nợ mình chưa trả được cho người dân.
Về hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, theo quy hoạch mỗi thành phố sẽ có 08 tuyến đường sắt. Đến nay đang triển khai thực hiện được 4 tuyến (02 tuyến ở Hà Nội và 02 tuyến ở Thành phố Hồ Chí Minh), còn lại đang trong quá trình chuẩn bị triển khai lập dự án. Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư và làm chủ đầu tư 02 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội bao gồm tuyến số 1 (Ngọc Hồi-Yên Viên) và tuyến số 2A (Cát Linh-Hà Đông), các tuyến còn lại do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm.
Đối với tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, Cát Linh-Hà Đông, tiến độ hiện nay bị chậm khoảng 20 tháng do một số nguyên nhân chủ quan như năng lực của Tổng thầu EPC, Tư vấn giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu; Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án giai đoạn trước (Ban quản lý dự án Đường sắt-Cục Đường sắt Việt Nam) thiếu kinh nghiệm quản lý dự án theo hình thức hợp đồng EPC và một số nguyên nhân khách quan như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; trong quá trình thực hiện dự án phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với điều kiện địa hình.
Hiện nay, khối lượng thực hiện của dự án đạt 67%, Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo Ban quản lý dự án Đường sắt, Tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực khẩn trương triển khai thi công với mục tiêu hoàn thành cơ bản xây dựng các nhà ga và đường sắt trên cao vào tháng 3/2016, các ga Cát Linh, Vành đai 3, La Khê xong trước tháng 6/2016; khu Depot hoàn thành trước tháng 9/2016, phấn đấu đưa vào vận hành, khai thác vào tháng 12/2016.
Về chất lượng của dự án, công tác kiểm soát chất lượng của dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các bên liên quan thực hiện tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng và quy định kỹ thuật của dự án; đồng thời đây là dự án thuộc công trình trọng điểm Nhà nước, nên việc kiểm soát chất lượng dự án phải được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra và giám sát thường xuyên trong quá trình thực hiện, đến thời điểm hiện nay các hạng mục đã thi công xong cơ bản đáp ứng về chất lượng theo đúng thiết kế.
Mặc dù vậy, thời gian trước đây đã xảy ra những hiện tượng, sự cố đáng tiếc khi thi công, gây tâm lý e ngại, không yên tâm cho người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường đang thi công. Những bất cập, sự cố trên đã được Bộ Giao thông Vận tải và Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kịp thời đánh giá và yêu cầu tổng thầu khắc phục ngay.
Chúng tôi không định đổ lỗi cho ai nhưng quả thật, với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, có rất nhiều vấn đề không thể giải quyết chỉ bởi một mình ngành Giao thông Vận tải.
Vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp
- Thông thường mỗi năm ngành Giao thông vận tải đều chọn một chủ đề để định hướng nhiệm vụ đồng thời mang tính thông điệp đến người dân. Năm 2016, nội dung và ý nghĩa của thông điệp đó là gì, thưa ông?
Ông Đinh La Thăng: Một trong những cách thức mà ngành giao thông vẫn làm và tạo ra hiệu ứng tốt chính là đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn để phấn đấu.
Năm 2015 mục tiêu của chúng tôi là: “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”. Đó là những nhiệm vụ then chốt, không thể thoái thác, gắn với danh dự có được từ truyền thống của ngành.
Lấy mục tiêu sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm động lực cao nhất, lãnh đạo Bộ cũng đồng thời tự đưa ra cam kết và mong muốn có sự giám sát chặt chẽ của toàn xã hội về những việc mà ngành sẽ làm.
Khi thông điệp đó được phát đi, nó đã tạo ra một không khí thi đua sôi nổi, sâu rộng trong toàn ngành bởi đã khơi gợi được lòng tự hào, tinh thần yêu nước của mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động. Tinh thần này duy trì trong suốt cả năm 2015, quyết định phần lớn việc hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ quan trọng.
Chủ đề năm 2016 của chúng tôi là “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”; “Tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu Năm an toàn giao thông “tính mạng con người là trên hết”.
Với chủ đề này, chúng tôi đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng. Trước hết là phải nghiêm túc chấp hành nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII; ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ cấp thiết nhất; đề cao những giá trị cốt lõi của đời sống như bảo vệ tính mạng con người, tạo ra sự công bằng, duy trì kỷ cương trong kinh doanh; chống tham ô, lãng phí; kêu gọi sự chung tay của cộng đồng; tạo một sự chuyển biến về nhận thức, đột phá trong tư duy, đòi hỏi ở mỗi cá nhân một trách nhiệm và nỗ lực cao nhất khi làm bất cứ công việc nào.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện./.