Sau lần tình cờ được xem diễn xuất của “vua hề” Sác-lô trong một bộ phim, Kế Đoàn đâm mê, say và cuối cùng là từ bỏ hướng đi đã chọn ban đầu để lao vào con đường đầy thách thức của kịch câm.
Giờ đây, khi đã ở tuổi ngũ tuần, anh bảo: “Người ta làm nghề những mong có thể sống được bằng nghề nhưng với tôi thì ngược lại: Hiện nay, tôi nuôi kịch câm thì đúng hơn là kịch câm nuôi tôi.”
Khó khăn là vậy nhưng trong anh vẫn khắc khoải một ước mong làm sao để kịch câm Việt được sống, tìm lại vị trí của mình trong lòng công chúng…
“Chẳng ai nhớ mặt!”
Nói về kịch câm, giọng Kế Đoàn đầy suy tư, day dứt. Ký ức sống dậy như thước phim quay chậm mở ra trước mắt, người nghệ sỹ ấy kể: Cách đây chừng 30 năm, anh theo học kịch nói ở Hải Phòng. Nhưng rồi, vì mê mẩn với những đối thoại không lời, anh quyết định bỏ dở chương trình học ở vùng đất cảng để “khăn gói” lên Hà Nội học kịch câm.
“Tôi thực sự mê mẩn những đối thoại không lời ấy. Toàn bộ thông điệp, suy nghĩ, tình cảm… được chuyển tới khán giả thông qua những điệu bộ, cử chỉ của diễn viên; không nói thành lời mà người khác vẫn hiểu được những điều mình gửi gắm. Nó vừa là điều thú vị vừa là một thách thức, đòi hỏi sự sáng tạo, khổ luyện của nghệ sỹ,” Kế Đoàn tâm sự.
Anh bảo, những năm đầu thập niên 90 là thời hoàng kim của kịch câm. Thời kỳ đó, kịch câm vào Việt Nam và được công chúng hồ hởi đón nhận. Hầu như, ở bất cứ chương trình nghệ thuật tổng hợp nào cũng không thể thiếu được những tiết mục kịch câm. Khán giả thuộc nằm lòng những cái tên như Kế Đoàn, Bích Ngọc, Phúc Dĩ… dù có thể ngoài đời, ít khi công chúng nhận ra mình.
“Lý do cũng đơn giản thôi, khi biểu diễn trên sân khấu, nghệ sỹ kịch câm thường phải hóa trang, vẽ mặt. Dù vậy, mình cũng cảm thấy rất vui,” nghệ sỹ Kế Đoàn chia sẻ.
Thế nhưng, “nước nổi thì bèo nổi, nước xuống thì bèo chìm,” người nghệ sỹ ấy trầm ngâm. Khi sân khấu bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng, kịch câm cũng không nằm ngoài vòng quay chung đó.
“Khán giả bị cuốn theo các loại hình giải trí mới. Các chương trình biểu diễn thưa vắng dần, đến mức, có lúc, người ta bảo kịch câm đã biến mất, có người còn bảo nó ‘chết’ rồi,” nói rồi, anh lặng người đi, đôi mắt nhìn về phía xa xăm.
Kế Đoàn thuộc thế hệ nghệ sỹ kịch câm đầu tiên và giờ đây, lứa nghệ sỹ ấy cũng chỉ còn anh hoạt động trong lĩnh vực này. Những người đồng nghiệp khác đã rẽ sang các ngả đường hoạt động khác; có người chuyển sang công việc tổ chức biểu diễn, lại có diễn viên kịch câm ngày ấy-bây giờ chuyển sang hoạt động kinh doanh.
“Ông vua” buồn với ngôi vương
“Giờ đây, người ta phong cho tôi cái danh xưng là nghệ sỹ kịch câm số một Việt Nam. Nếu là bạn, bạn có vui không khi mình là số một mà xung quanh mình lại chẳng có số hai, số ba… Tôi như kẻ độc hành,” nghệ sỹ Kế Đoàn trải lòng.
Người còn “sót” lại của bộ môn nghệ thuật này bảo, có người còn gọi anh là “vua” - một ông vua trong vương quốc không có thần dân, quan quân nào cả!
Không còn khán giả, không có những sáng tạo mới, không sống được bằng nghề… kịch câm đã không thể níu chân họ trước những lo toan bộn bề của cuộc sống. “Giờ đây, chỉ thỉnh thoảng, họ ‘chơi’ kịch câm cho đỡ nhớ nghề,” anh nói.
Hỏi người nghệ sỹ ấy, đã khi nào anh có ý định “buông tay,” anh bảo: “Từ bỏ thì không nhưng đôi khi cũng thấy nhiệt nghề bị giảm bớt. Không buồn sao được khi kịch câm đã lặng câm trong lòng khán giả từ khá lâu nay.”
Triền miên trong câu chuyện, Kế Đoàn tâm sự, ban đầu, anh chọn kịch nói làm điểm khởi nghiệp. Đã bao năm qua, dù là một nghệ sỹ kịch câm nhưng nguồn sống chủ yếu của anh lại nhờ vào nhiều việc khác như dạy MC, dạy diễn viên, dạy khiêu vũ…
“Bây giờ, tôi nuôi kịch câm thì đúng là kịch câm nuôi tôi,” anh cười. Để duy trì hoạt động của câu lạc bộ yêu thích kịch câm, đoàn nghệ thuật khiếm thính UIA do anh sáng lập, nghệ sỹ Kế Đoàn đã phải tự bỏ tiền túi. “Nếu không ươm mầm thì sao có thể hy vọng vào một ngày nó sẽ vươn mình trở lại,” người nghệ sỹ nặng lòng với bộ môn nghệ thuật kén người xem này chia sẻ.
Giữa buổi “chợ chiều” của sân khấu, người nghệ sỹ ấy vẫn luôn ấp ủ hy vọng rằng, kịch câm sẽ dần tìm lại được vị trí của mình trong lòng công chúng.
“Bạn cứ tin tôi đi! Bây giờ, công chúng đã chú ý nhiều hơn đến kịch hình thể-một thể loại khá gần gũi với kịch câm về cách thức, phương diện biểu đạt [kịch hình thể đẩy lời thoại xuống hàng thứ yếu, thay bằng lấy ngôn ngữ hình thể làm trung tâm hàng đầu và làm phương tiện số một biểu hiện xung đột trên sân khấu-PV] thì chắc chắn họ cũng sẽ dần tìm lại sự hứng khởi, thích thú với kịch câm,” người nghệ sỹ ấy lạc quan.
Không chỉ có vậy, “tôi tin, khán giả không hoàn toàn quay lưng lại với kịch câm,” anh nói. Bằng chứng là, ba năm vừa rồi, nghệ sỹ kịch câm Naoki (Nhật Bản) có ba chuyến sang Việt Nam lưu diễn và lần nào, khán giả cũng kéo tới rạp đông nghịt.
“Từ đó, có thể thấy, vấn đề là, kịch câm của mình chưa tự làm mới mình, tìm những cách thức phong phú để tiếp cận và lôi kéo khán giả trở lại với mình. Nếu làm được điều đó, tôi tin mọi chuyện sẽ khác,” nghệ sỹ Kế Đoàn bày tỏ.
Cũng chính từ suy nghĩ này, Kế Đoàn vẫn đang miệt mài với kế hoạch “may chiếc áo mới” cho kịch câm Việt Nam: Kết hợp kịch câm với một số loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc (như tuồng, chèo…) để tạo cho kịch câm Việt một màu sắc riêng./.