Tính đến hết tháng 8/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã về đích kế hoạch cả năm 2 chỉ tiêu lớn là nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận hợp nhất trước thuế.
Nhằm duy trì ổn định nhịp độ sản xuất-kinh doanh và tận dụng cơ hội trong những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo tiếp tục kiên định, nỗ lực cao nhất hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đặt ra từ đầu năm để mở rộng quy mô và tăng tốc tái tạo mô hình kinh doanh.
Nỗ lực vượt khó
Trong tháng 8/2023, tình hình kinh tế thế giới cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu tháng 8/2023 tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức dưới 50 điểm (đạt 49 điểm, tăng 0,4% so với tháng 7/2023), cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn trong kỳ suy thoái.
Với ngành Dầu khí, mặc dù xuất hiện yếu tố tích cực khi giá dầu tăng so với tháng trước, nhưng tình hình cung cầu, thị trường tồn tại rất nhiều bất cập; thị trường có những phản ứng trước việc bảo dưỡng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dẫn đến nhập khẩu xăng dầu tăng cao tác động đến thị trường trong nước (trong tháng 8 nhập khẩu xăng dầu đạt hơn 1,2 triệu m3, gấp 2,6 lần cùng kỳ), giá phân bón giảm, huy động điện thấp kéo theo huy động khí rất thấp so với kế hoạch cũng như cùng kỳ, tác động đến chỉ tiêu khai thác dầu thô và dư thừa khí.
[PetroVietnam cơ bản hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết 41]
Trong bối cảnh đó, PetroVietnam không ngừng nỗ lực triển khai các giải pháp quản trị, gia tăng sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh để hạn chế tác động từ các yếu tố bất lợi.
Trong 8 tháng năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt kế hoạch được giao từ 3-29%, trong đó các chỉ tiêu yếu gồm: sản lượng điện, urê, xăng dầu, LPG, polypropylen… tăng trưởng so với cùng kỳ tháng 8 năm 2022; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ở công suất cao 112-114% góp phần cung cấp ổn định các sản phẩm xăng dầu cho thị trường, đặc biệt là trong thời gian Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng tổng thể.
Ngoài ra, công tác an ninh, an toàn trên các nhà máy, công trình của PetroVietnam được đảm bảo, các hoạt động sản xuất được triển khai một cách xuyên suốt. Cụ thể, trong tháng 8/2023, sản lượng khai thác dầu thô đạt 0,85 triệu tấn, vượt 13,1% kế hoạch tháng, sản xuất xăng dầu (không bao gồm nhà máy Nghi Sơn-NSRP) đạt 638 nghìn tấn, vượt 35% kế hoạch tháng, sản xuất polypropylen đạt 16.000 tấn, vượt 38,5% kế hoạch tháng…
Tính chung 8 tháng, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn hoàn thành vượt mức kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước giao, đó là: khai thác dầu thô đạt 7,06 triệu tấn, vượt 14,5% kế hoạch 8 tháng (trong đó: khai thác dầu thô trong nước vượt 17,3%, khai thác dầu thô ở nước ngoài vượt 3%); sản xuất đạm đạt 108 nghìn tấn, vượt 5,2%; sản xuất điện đạt 1,07 tỷ kWh, vượt 4,2%, LPG đạt 588,6 nghìn tấn, vượt 21,0%; sản xuất xăng dầu (không bao gồm NSRP) đạt 4,80 triệu, vượt 29,4%; Polypropylen đạt 117,7 nghìn tấn, vượt 15,0%...
Nộp ngân sách về đích trước 5 tháng
Nhờ thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn khá tốt so với tốc độ suy giảm giá dầu và suy giảm sản lượng với một số sản phẩm do tác động từ các yếu tố khách quan, thị trường. Trong 8 tháng vừa qua, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 575,8 nghìn tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch 8 tháng, bằng 85% kế hoạch năm; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn đã về đích kế hoạch năm trước 5 tháng, thực hiện 8 tháng ước đạt 90,5 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước vượt 8% kế hoạch năm.
Theo công bố bảng xếp hạng PROFIT500-Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2023 của Vietnam Report, PetroVietnam tiếp tục ghi nhận vị trí dẫn đầu; cùng với sự sự góp mặt của một loạt các doanh nghiệp Dầu khí khác như: PVEP, PV GAS, BSR, PVFCCo, PVCFC, PV Power, PVTrans, PTSC, PVI, PVOIL...
Đặc biệt, cuối tháng 8 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long Liên danh PTSC (Petrovietnam)-Sembcorp (Singapore) đã được trao Giấy phép khảo sát và Ý định thư để triển khai các công tác liên quan đến việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.
Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tiên phong của Petrovietnam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi cũng như “chuyển dịch” để “Xây dựng và phát triển PetroVietnam thành tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.”
Đánh giá tình hình chung của năm 2023 là rất khó khăn, nhưng dự báo những tháng cuối năm sẽ có nhiều cải thiện hơn những tháng đầu năm, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PetroVietnam Hoàng Quốc Vượng đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo sát sao việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch để tận dụng cơ hội thị trường, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao trong năm 2023, đặc biệt là triển khai các giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch sản lượng khai thác không thấp hơn so với năm 2022.
Chủ tịch Tập đoàn cũng chỉ đạo một số công việc liên quan đến triển khai các dự án trọng điểm như: Chuỗi dự án Khí- Điện Lô B, Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1; hoàn thành quyết toán các dự án sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò trong năm 2023; công tác triển khai các dự án đầu tư ở nước ngoài…
Trong khi đó, Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống để duy trì nhịp độ sản xuất-kinh doanh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong 8 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh rất khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, biến động bất thường khó đoán định của thị trường năng lượng, lương thực….
Ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong tháng 9 cũng như thời gian tới như: Tập trung phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương rà soát cập nhật, hoàn thành báo cáo Đề án đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam theo Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị; bám sát việc xử lý các đề án đã trình Chính phủ như: đề án tái cấu trúc Tập đoàn đến năm 2025, kế hoạch 5 năm 2021-2025, kế hoạch hoạt động dầu khí trên Biển Đông năm 2024.
Với những nhiệm vụ cụ thể, Tổng Giám đốc Tập đoàn chỉ đạo toàn Tập đoàn tiếp tục kiên định, nỗ lực thực hiện mục tiêu quản trị đặt ra nhằm mở rộng quy mô, tăng tốc tái tạo mô hình kinh doanh, trong đó đặc biệt là mở rộng quy mô thông qua tổng doanh thu, nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản; bám sát thị trường, đánh giá kỹ tình hình kinh tế vĩ mô để phân bổ các mục tiêu, kế hoạch triển khai theo từng khối/lĩnh vực. Ông đề nghị các Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn phụ trách các lĩnh vực theo sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị để kịp thời tận dụng các cơ hội thị trường.
Đối với lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác cần tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu sản lượng, bảo đảm nguồn khí cho sản xuất điện, quán triệt kế hoạch năm 2024 để điều phối hoạt động trong khối với lĩnh vực dịch vụ liên quan.
Đối với lĩnh vực lọc hóa dầu và kinh doanh các sản phẩm xăng dầu cần tập trung mở rộng thị trường, duy trì đảm bảo an toàn cao trong hoạt động, nâng cao công suất, gia tăng doanh thu, chia sẻ hỗ trợ trong toàn Tập đoàn để nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, đồng thời góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật, đánh giá các khó khăn, hỗ trợ các đơn vị, kịp thời phê duyệt các kế hoạch đầu tư, dự báo tình hình việc làm trong thời gian tới. Khối khí-điện-đạm đảm bảo độ khả dụng của các nhà máy, chủ động có kế hoạch về nguồn nhiên liệu, nguyên liệu và xây dựng kịch bản tham gia/chào giá theo các biến động thị trường...
Bên cạnh đó, tiếp tục cập nhật chiến lược đầu tư, kế hoạch vốn, dòng tiền cho việc triển khai các dự án, tập trung triển khai các dự án án lớn, đặc biệt là chuỗi dự án Lô B-Ô Môn, công tác triển khai dự án nhà máy điện Ô Môn 3, Ô Môn 4 cũng như các dự án trung, thượng nguồn trong chuỗi./.