Ngày 21/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, phần mềm mang tên “Hệ thống quản lý thông tin Tiêm chủng quốc gia” do Cục Y tế dự phòng cùng với Cục Công nghệ thông tin và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp thực hiện sẽ ra mắt vào cuối năm 2015.
Phần mềm này góp phần thống kê, kiểm tra thông tin và rà soát đối tượng tiêm chủng, không để sót đối tượng, đảm bảo quyền tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch của trẻ.
Phần mềm sẽ quản lý từng đối tượng tiêm chủng và mỗi cá nhân sẽ có mã số riêng (số ID) để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời, gồm có thông tin về quá trình tiêm chủng của mỗi cá nhân, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm. Điều này giúp cán bộ tiêm các mũi tiếp theo nắm rõ đối tượng đã được tiêm vắcxin gì, thời gian và ở địa bàn nào trước đó nếu người này di chuyển nơi ở.
Phần mềm cũng giúp phụ huynh theo dõi và nắm thông tin tiêm chủng của trẻ qua hệ thống viễn thông; hệ thống sẽ nhắc nhở phụ huynh nhớ lịch tiêm cho con. Đây cũng là công cụ thống kê số liệu tiêm chủng dành cho các nhà quản lý.
Hiện phần mềm đang được triển khai thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, các cán bộ y tế phụ trách tiêm chủng của tỉnh được tập huấn và sử dụng. Giai đoạn thí điểm ban đầu đã thu được tín hiệu khả quan và khả năng ứng dụng cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong quản lý công tác tiêm chủng tại cộng đồng.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, để xây dựng phần mềm quản lý cho tất cả đối tượng rất khó vì cả nước mỗi năm có khoảng 1,6 triệu trẻ em ra đời với trên 11.000 xã, phường, thị trấn và khoảng trên 30.000 điểm tiêm chủng. Nhưng Bộ Y tế vẫn quyết tâm xây dựng phần mềm và sau khi làm thí điểm tại Bắc Ninh sẽ hoàn thiện, triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác rồi sẽ nhân rộng ra cả nước.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao ý tưởng đưa công nghệ thông tin vào quản lý công tác tiêm chủng mở rộng quốc gia. Điều này sẽ giúp người dân có thể tự tra cứu thông tin và nắm rõ lịch tiêm chủng của bản thân và con em mình, từ đó chủ động đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, phần mềm giúp cán bộ y tế phụ trách tiêm chủng quản lý được nhóm đối tượng cần tiêm thông qua lịch hẹn tiêm, lịch sử tiêm của đối tượng trong danh sách quản lý.
Phần mềm “Hệ thống quản lý thông tin Tiêm chủng quốc gia” đang tiếp tục được hoàn thiện để dễ tiếp cận, xử lý thông tin hiệu quả hơn. Sau đó, Bộ Y tế sẽ triển khai ứng dụng phần mềm trên tại tất cả các điểm tiêm chủng trong cả nước./.