Thời gian qua, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Phòng, chống lao quốc gia đã ứng dụng phác đồ mới điều trị lao kháng thuốc có hiệu quả, đạt chỉ tiêu cam kết với Quỹ Toàn cầu.
Đặc biệt, trong năm 2018 đã tiếp tục phát hiện và đăng ký điều trị cho hơn 100.000 bệnh nhân lao thường, hơn 3.000 trường hợp bệnh nhân lao kháng thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội nghị giao ban hoạt động phòng, chống lao năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019 diễn ra chiều 22/3 tại Hà Nội.
Thành công nhiều mặt
Thứ trưởng Tiến cho hay, năm 2018 công tác phòng chống lao mặc dù còn một số tồn tại song đây là một năm thành công của chương trình trên tất cả các mặt trọng yếu của chiến lược chống lao. Đây là tiền đề cho một giai đoạn mới Việt Nam cam kết với thế giới như một mô hình mẫu về chiến lược chấm dứt bệnh lao.
[Chuyên gia dự báo triển vọng xóa bỏ bệnh lao vào năm 2045]
Cụ thể, trong công tác vận động chính sách, năm 2018 chương trình đã thành công trong việc vận động và kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng vào quỹ hỗ trợ người chiến thắng bệnh lao như một cơ chế bền vững cho bệnh nhân mắc lao nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.
Về khám, phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân mắc lao có nhiều điểm mạnh. Ngoài việc duy trì, phát hiện, điều trị có chất lượng, chương trình đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới với phương pháp tiếp cận hiệu quả...
Tại hội nghị, phó giáo sư Lê Văn Hợi - Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia cho biết, xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung đang có xu hướng giảm với tỷ lệ mắc lao mới giảm trong khoảng thời gian dài và có tốc độ giảm khoảng 2%/năm.
WHO và Chương trình chống lao quốc gia đã ước tính tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giảm khoảng 3,8% hàng năm (từ 2007-2017), tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 3% hàng năm và tỷ lệ tử vong do lao giảm khoảng 4% hàng năm.
Phát hiện bệnh lao ở trẻ em: Nhiều khó khăn
Phó giáo sư Lê Văn Hợi cho hay, hiện nay, trên cả nước có 48/63 tỉnh, thành đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi. Chương trình chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình như dịch tễ bệnh lao ở Việt Nam vẫn còn cao.
Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc.
Đáng lưu ý, theo phó giáo sư Hợi, một khó khăn lớn trong công tác phòng chống lao hiện nay đó là mạng lưới chống lao khó tiếp cận với trẻ em. Theo thống kê của Chương trình chống lao quốc gia, trong năm 2018, Chương trình đã khám cho hơn 18.000 trẻ tiếp xúc nguồn lây đăng ký sàng lọc bệnh lao. Trong đó, số trẻ tiếp xúc được thu nhận vào điều trị là gần 4.000 trường hợp. Số trường hợp mắc lao trẻ em phát hiện trong năm qua là 1.656 ca các thể, trong đó số trường hợp mắc lao trẻ em trong nhóm tuổi từ 0-4 (dưới 5 tuổi) là 549 trường hợp (chiếm 39%).
Nguyên nhân là do khi trẻ ốm thường đến các cơ sở y tế nhi khoa hoặc nội-nhi để khám chữa bệnh. Sự hợp tác để phát hiện bệnh lao ở trẻ em giữa Chương trình Phòng, chống lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả để phát hiện.
Trong hệ thống chương trình chống lao thiếu cán bộ có năng lực để triển khai hoạt động quản lý bệnh lao ở trẻ em, phát hiện và chẩn đoán cho trẻ. Đặc biệt, hầu hết các tỉnh có bệnh viện lao và bệnh phổi chưa có khoa bộ phận tiếp nhận khám phát hiện bệnh lao cho trẻ em… Chính vì vậy, cần tăng cường bổ sung cán bộ kỹ thuật về bệnh lao trẻ em cũng như tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh lao cho trẻ em.
Bên cạnh đó, sự hợp tác để phát hiện bệnh lao ở trẻ em giữa Chương trình Phòng, chống lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên và chưa hiệu quả. Địa bàn triển khai rộng, thiếu cán bộ cả về số lượng và năng lực.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian qua, công tác phòng, chống lao mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu.
Để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Chương trình Phòng, chống lao quốc gia đề xuất Chính phủ bổ sung vấn đề phòng, chống lao vào Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Ủy ban Quốc gia cho phép xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược và Chương trình Hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Chương trình đề xuất Quốc hội xem xét, đưa vấn đề chấm dứt bệnh lao vào Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm sửa đổi hoặc có Nghị quyết riêng về thực hiện mục tiêu Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII đã đề ra là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030./.