phô trương dòng tiền lớn để thu hút nhà đầu tư nhỏ

Phát huy lợi thế giao thông thủy, giảm áp lực cho đường bộ

Dự án sửa đổi Luật giao thông đường thủy sẽ giúp kiểm soát được vận tải đường thủy nội địa, chú trọng an toàn tính mạng con người.
Phát huy lợi thế giao thông thủy, giảm áp lực cho đường bộ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 15/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung được đánh giá là có nhiều điểm tích cực, kiểm soát được vận tải đường thủy nội địa và đặc biệt chú trọng đến an toàn tính mạng con người.

Bên lề Quốc hội, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các đại biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy.

Kiểm soát giao thông đường thủy

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, tỉnh Thái Bình nhấn mạnh cả nước hiện có hơn 80.000 km đường thủy nội địa, trong đó có 42.000 km đường thủy có liên quan đến vận tải đường thủy nội địa nhưng lực lượng chức năng mới kiểm soát được khoảng 19.000 km, tương đương khoảng 45%, còn lại chưa được quản lý hay quản lý chưa tốt.

Việc kiểm soát giao thông đường thủy nội địa còn khó khăn do chưa được đầu tư thỏa đáng trong vấn đề biển báo, biển hiệu hay các vấn đề quy định trong điều chỉnh. Vì vậy, dự án Luật sửa đổi lần này cũng cần quan tâm đầu tư “đúng mức” trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng Luật giao thông đường thủy nội địa sửa đổi lần này có rất nhiều điểm mới phù hợp với tình hình thực tế như trước đây quy định có luồng trong Luật giao thông đường thủy nội địa, lần này mở rộng ra trong phạm vi điều chỉnh vì thực tế các tàu, thuyền neo đậu, quay đầu phải hoạt động trong phạm vi cả ngoài luồng nhất là vào mùa lũ lụt. Nếu không điều chỉnh sẽ gặp phải khó khăn trong quá trình thực thi.

Vấn đề về những phương tiện điều chỉnh sửa đổi đã phù hợp, bởi trước đây đòi hỏi tất cả các loại phương tiện, kể cả phương tiện thô sơ, phương tiện không có động cơ cũng phải đăng kiểm nhưng lần này điều chỉnh với các phương tiện thô sơ, không có động cơ trọng tải từ 5 tấn đến 15 tấn thì theo dự thảo luật không đưa vào bắt buộc phải đăng kiểm.

Nếu quy định bắt buộc đăng kiểm thì sẽ có những mặt khó khăn và nếu không thực hiện được thì sẽ dẫn đến việc thiếu nghiêm minh. Tuy nhiên mặc dù không bắt buộc phải đưa vào quy định trong luật nhưng vẫn có những cam kết để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động về đường thủy nội địa.

“Trước thực tế, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng từ vận tải thủy sang vận tải đường bộ sẽ gây áp lựa cho vận tải đường bộ do chưa có quan tâm thỏa đáng đối với lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa. Vì vậy, lần này điều chỉnh này cũng nhằm mục đích phát huy lợi thế của giao thông thủy nội địa. Đây là điều thiết thực đảm bảo các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh vào vận chuyển đường thủy nội địa để giảm áp lực cho vận chuyển đường bộ”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ nói.

Đại biểu Đinh La Thăng, tỉnh Thanh Hóa cho rằng dự án sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường thủy nội địa đã quy định phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 quy định về nồng độ cồn có trong máu hoặc hơi thở khi làm việc trên phương tiện giao thông thủy; quy định về kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa; quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện cũng như hoạt động vận tải đường thủy nội địa… nhằm hướng tới kiểm soát tốt giao thông thủy cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông.

Đại biểu Lê Đắc Lâm, tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng Luật giao thông đường thủy nội địa có đóng góp nhất định vào phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện còn một số khó khăn bất cập như: việc đăng kiểm, vấn đề nhập khẩu phương tiện, bảo vệ kết cấu hạ tầng hay cụ thể như nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở của thuyền viên chưa quy định rõ.

Bên cạnh đó, một số khái niệm trong luật cũ chưa nêu rõ như khái niệm xung quanh tai nạn đường thủy nội địa, quy định cho thuê, khai thác cảng, bến thủy nội địa, rồi cứu hộ cứu nạn, giao thông đường thủy nội địa, thậm chí kể cả quy định quản lý nhà nước… thì đã được giải quyết trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa lần này.

Cũng theo đại biểu Lê Đắc Lâm, dự án Luật lần này cần thiết bổ sung bảo hiểm đường thủy nội địa kể cả đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Điều này đảm bảo cho việc quản lý nhà nước có cơ sở và phù hợp. Hay cần thiết phải bổ sung thêm quy định vấn đề cho thuê, khai thác cảng nội địa như thế nào để khai thác nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài ra, cũng cần quy định đầy đủ trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc khai thác giao thông đường thủy nội địa. Việc đăng kiểm phương tiện cũng cần quản lý chặt chẽ hơn do thời gian vừa qua việc đăng kiểm không đầy đủ, có trường hợp không đăng kiểm đã dẫn đến phương tiện không đảm bảo, dẫn đến mất an toàn cho người và hàng hóa.

Đặc biệt, dự án Luật cần quy định rõ độ tuổi được phép sử dụng phương tiện giao thông thủy trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung này.

Chú trọng an toàn tính mạng con người

Đại biểu Đinh La Thăng, tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh lần này, dự án sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường thủy nội địa có bổ sung một chương VIIa về cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa.

Đây là chương rất quan trọng quy định rõ tránh nhiệm cũng như phương tiện trong cứu hộ phải đảm bảo các điều kiện để tham gia hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung sẽ đảm bảo tính thống nhất giữa Luật giao thông đường thủy nội địa và Luật giáo dục, Luật Khoa học và công nghệ, Luật giao thông đường bộ, Bộ Luật hàng hải Việt Nam , Luật Thủy sản.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, tỉnh Thái Bình chia sẻ trong những năm gần đây, có nhiều vụ tai nạn xảy ra trong giao thông đường thủy rất nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của con người nên Luật lần này đã chú ý rất nhiều đến vấn đề an toàn vận chuyển hành khách.

Đối với các tàu, thuyền có vận chuyển hành khách thì đòi hỏi đảm bảo các điều kiện an toàn tốt hơn, chất lượng, cũng như phục vụ, rồi các hệ thống đèn báo, biển hiệu, tín hiệu dẫn đường, tín hiệu định vị. Đây là những quy định yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những phương tiện vận tải thông thường.

“Đối với các tàu từ 5 tấn đến 15 tấn mặc dù không phải đăng kiểm nhưng những cam kết về mặt an toàn vẫn phải trách nhiệm và quy định rõ. Tất cả những phương tiện đã tham gia giao thông thì đòi hỏi phải an toàn về thiết bị, về phương tiện, về biển báo, về các dụng cụ để trang bị cho cái phương tiện tham gia giao thông đảm bảo các yếu tố về mặt an toàn tính mạng, tài sản cho con người khi tham gia giao thông,” đại biểu Đỗ Văn Vẻ nói.

Đại biểu Lê Đắc Lâm, tỉnh Bình Thuận cũng nhấn mạnh vừa qua, do quản lý nhà nước không chặt nên xảy ra tình trạng vi phạm an toàn giao thông trên các đường thủy nội địa.

Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý hay thậm chí mở rộng ra không chỉ quản lý trong luồng đi mà quản lý hệ thống đường tham gia giao thông nội địa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quản lý phương tiện, quản lý kết cấu hạ tầng để thu được ngân sách nhà nước trong quá trình tham gia giao thông đường thủy nội địa.

“Đối với tai nạn giao thông thủy xảy ra, việc bổ sung một chương quy định rõ cứu nạn, cứu hộ là đặc biệt quan trọng trong dự án Luật lần này để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Bên cạnh đó, dự án Luật cần phân cấp rõ đối với giao thông đường thủy như giao thông đường bộ, việc phân cấp trách nhiệm quản lý sẽ gồm từ việc kiểm tra giấy phép, kiểm tra an toàn, kiểm tra sức khỏe của người lái tàu thì khi xảy ra tai nạn… để khi xảy ra tai nạn giao thông thủy thì địa phương phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ trách nhiệm chung chung được”, đại biểu Lê Đắc Lâm nói./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục