Phát sinh hàng loạt vướng mắc tại Dự án Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Hiện trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tiếp tục phát sinh hàng loạt vướng mắc; nếu không có giải pháp kịp thời, dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng kế hoạch.
Phát sinh hàng loạt vướng mắc tại Dự án Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu ảnh 1Nhà thầu huy động máy móc, sẵn sàng thi công Dự án Thành phần 2 Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tháng 8/2023. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Như phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã nhiều lần phản ánh, khoảng một năm qua, việc triển khai Dự án Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, chậm trễ.

Hiện nay, trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công, cao tốc tiếp tục phát sinh hàng loạt vướng mắc, nếu không có giải pháp kịp thời, dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng kế hoạch, xảy ra nhiều vấn đề phức tạp.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài gần 54km, từ Đồng Nai đến Bà Rịa-Vũng Tàu với ba dự án thành phần. Trong đó, đoạn qua Đồng Nai dài hơn 34km, được chia làm hai dự án thành phần; diện tích đất phải thu hồi gần 290ha, do Ban Quản lý Dự án Giải phóng Mặt bằng và Hỗ trợ Tái Định cư tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Ban Quản lý Dự án Bồi thường) thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Bồi thường, cho biết đơn vị đang phối hợp cùng ngành chức năng kiểm kê đất đai, tài sản. Việc kiểm kê đối với đất do cá nhân đang sử dụng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu song song với Quốc lộ 51, vùng dự án mật độ xây dựng cao. Quá trình kiểm đếm, ngành chức năng phát hiện hàng trăm trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp.

Có những thửa đất người chủ sở hữu Giấy Chứng nhận Quyền Sử dụng Đất đã chuyển đến nơi khác sinh sống, thửa đất bị chia nhỏ thành từng lô (mỗi lô trên dưới 100m2), bán lại cho nhiều người bằng giấy viết tay.

Ông Nguyễn Hồng Quế khẳng định do kiểm đếm chưa xong nên chưa có con số chính thức về việc sang nhượng, cho tặng đất bằng giấy viết tay, số lượng nhà xây dựng trái phép trong vùng dự án. Tuy nhiên, con số này đặc biệt lớn, nhiều nhất tại thành phố Biên Hòa.

Đây là vấn đề rất nan giải, bởi luật quy định những trường hợp trên không được bố trí tái định cư khi thu hồi đất. Song do số người bị ảnh hưởng quá lớn, nếu không có phương án hài hòa dễ phát sinh khiếu nại và các vấn đề về an ninh trật tự trong quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trước đây, Đồng Nai tính toán để triển khai Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tỉnh phải thu hồi đất của khoảng 3.700 hộ tại 11 xã, phường thuộc thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, trong đó, có khoảng 1.800 hộ cần bố trí tái định cư.

[Đồng Nai: 12 dự án trọng điểm không bảo đảm tiến độ vì vướng mặt bằng]

Nhưng qua kiểm đếm đất đai, tài sản, Ban Quản lý Dự án Bồi thường cho rằng số trường hợp bị ảnh hưởng khi triển khai dự án sẽ tăng mạnh, chỉ sau Sân bay Long Thành. Bên cạnh đó, đến nay, cả bốn khu tái định cư Đồng Nai quy hoạch nhằm bố trí chỗ ở cho người dân vùng dự án vẫn chưa được xây dựng.

Liên quan đến tổng mức đầu tư Dự án Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dự kiến tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua, trong đó, riêng đoạn qua địa bàn Đồng Nai tăng gần 2.700 tỷ đồng, Ban Quản lý Dự án Bồi thường cho rằng trong báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, giá đất để tính tiền bồi thường Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu thấp hơn các dự án lân cận, được thực hiện cùng thời điểm (từ năm 2021-2023) khoảng 1,5 triệu đồng/m2, như: Đường kết nối Sân bay Long Thành; trạm biến áp 220Kv Tam Phước và đường dây đấu nối; dự án 500Kv Long Thành và hướng tuyến đường dây 220Kv đấu nối.

Ngoài ra, chi phí di dời, hoàn trả hạ tầng kỹ thuật trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là gần 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình kiểm đếm, Ban Quản lý Dự án Bồi thường khái toán chi phí di dời đối với các công trình này khoảng 650 tỷ đồng. Nguyên nhân do số liệu kiểm kê thực tế tăng hơn rất nhiều so với số liệu lập trước đây.

Phát sinh hàng loạt vướng mắc tại Dự án Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu ảnh 2Đơn vị thi công Dự án Thành phần 3 Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu san lấp mặt bằng, tháng 7/2023. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo ông Đinh Lê Thông, đại diện Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải), chủ đầu tư Dự án Thành phần 2, Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, diện tích đất cần thu hồi phục vụ Dự án Thành phần 2 là gần 180ha, đến nay, Đồng Nai mới bàn giao được hơn 12ha (gần 7% diện tích). Do không có mặt bằng nên việc thi công cầm chừng, ngưng trệ.

Ông Đinh Lê Thông chia sẻ Dự án Thành phần 2, Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cần hơn 2,5 triệu m3 đất đắp nền đường. Về lý thuyết, Đồng Nai có 5 mỏ đất phục vụ dự án với trữ lượng hơn 22 triệu m3. Nhưng khảo sát thực tế chỉ có thể tận dụng được khoảng 800.000m3.

Nhu cầu đổ thải của dự án khoảng 1,5 triệu m3 nhưng địa phương chỉ có hai bãi đổ thải với khối lượng khoảng 240.000m3 là sử dụng được. Nếu tỉnh không có giải pháp quyết liệt chắc chắn cao tốc thiếu đất đắp, bãi đổ thải.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, quá trình triển khai cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư.

Tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Dự án Bồi thường đẩy nhanh tiến độ kiểm kê đất đai, tài sản; thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành xem xét, điều động nhân lực từ các đơn vị đến hỗ trợ xã, phường có Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đi qua trong công tác thu hồi đất.

Tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục xây dựng khu tái định cư phục vụ cao tốc. Đồng thời, tỉnh kiến nghị cơ quan Trung ương cho phép địa phương được bố trí tái định cư cho các hộ tại Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vào Khu Tái Định cư Lộc An-Bình Sơn phục vụ Sân bay Long Thành.

Về vấn đề sang nhượng, cho tặng đất bằng giấy viết tay, xây dựng trái phép, sau khi có con số cụ thể tỉnh sẽ có giải pháp, đảm bảo đúng quy định pháp luật, quyền lợi của người dân.

Với nguồn đất đắp phục vụ dự án, Đồng Nai sẽ tháo gỡ vướng mắc tại mỏ khai thác khoáng sản. Đồng thời, tỉnh kiến nghị cơ quan Trung ương hướng dẫn giải quyết các bất cập trong cấp phép khai thác đất phục vụ Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục