Giao thông đô thị là huyết mạch của các thành phố, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và đô thị hóa mạnh.
Tuy vậy, các đô thị đang phải đối mặt với thách thức rất lớn về giao thông như giao thông công cộng, giao thông xanh hướng tới định hình đô thị bền vững…
Để làm rõ hơn về thực trạng phát triển của giao thông đô thị cũng như giải quyết những thách thức trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.
- Ông đánh giá thế nào về thực trạng phát triển giao thông đô thị Việt Nam hiện nay?
Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm: Một trong những khâu đột phá để phát triển đô thị là hạ tầng giao thông, điều đó cho thấy vị thế của giao thông ngày càng nâng tầm.
Việt Nam là quốc gia sớm hình thành đô thị, song đến nay tỷ lệ đô thị, đô thị hóa thấp hơn so với trung bình của thế giới. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước chỉ đạt xấp xỉ 42% với 902 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo định hướng phát triển đến năm 2025 đạt tối thiểu 45% với 950-1.000 đô thị.
Thời gian qua, quá trình đô thị hóa đã tạo lập diện mạo mới cho rất nhiều đô thị trong cả nước, đặc biệt đối với bức tranh hạ tầng giao thông. Điều này dễ thấy từ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đồng bộ, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy. Cùng đó, mạng lưới giao thông đã chú ý tới liên kết khu vực, liên kết vùng và cả nước.
Việc phát triển giao thông đô thị đã tiếp cận được với xu thế hiện đại của thế giới như: Đường sắt đô thị, đường trên cao với áp dụng công nghệ mới trong quản lý. Song, bên cạnh kết quả đã bộc lộ một số tồn tại như mạng lưới giao thông phát triển chưa tương ứng với phát triển đô thị, gia tăng dân số.
- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những tồn tại, thách thức trong phát triển mạng lưới giao thông đô thị?
Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm: Tốc độ đô thị hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng đang tạo sức ép lớn lên công cuộc phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường.
Mạng lưới giao thông phát triển chưa tương ứng với phát triển đô thị và gia tăng dân số. Tỷ lệ đất dành cho giao thông với hệ thống đường bộ, giao thông tĩnh còn thấp so với quy chuẩn với đô thị lớn nhất là đô thị đặc biệt.
Chẳng hạn, đối với Hà Nội cần từ 20-25% diện tích đất xây dựng đô thị trung tâm dành cho diện tích đất giao thông, nhưng đến nay mới chỉ đạt xấp xỉ 12%. Riêng về giao thông tĩnh cần từ 3-4% diện tích, nhưng đến nay mới chỉ đạt 0,4%.
Vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân, nên càng gây áp lực về giao thông; cơ cấu phương tiện giao thông chưa hợp lý và phương tiện giao thông cá nhân tăng quá mức dự kiến.
Về phía các địa phương cũng chưa có chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng mạng đường giao thông, bến, bãi đỗ xe...; chưa áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực để tạo hiệu lực trong quản lý, trong thanh tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông của cộng đồng dân cư còn hạn chế.
- Vậy theo ông, đâu là giải pháp đột phá trong phát triển giao thông đô thị?
Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm: Trong quá trình đô thị hóa, phát triển hạ tầng kỹ thuật nói chung, hệ thống giao thông riêng luôn được quan tâm và xác định là khâu cần đột phá trong quy hoạch. Đối với các đô thị lớn có lịch sử phát triển, hệ thống giao thông đặc thù nên cần nhận diện đầy đủ và có giải pháp đột phá để đô thị phát triển bền vững.
Về quy hoạch, hiện các bộ, ngành, địa phương đang đổi mới hệ thống quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành. Tuy vậy, để phát triển giao thông đô thị đồng bộ cần song song quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải cấp tỉnh.
Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Hay, thành phố Hà Nội đang hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) với cơ chế vượt trội về phát triển hạ tầng. Từ các chính sách này, cần có hệ thống văn bản pháp luật do cấp tỉnh ban hành để cụ thể hóa vào đời sống.
Trong định hướng phát triển hạ tầng giao thông cần ưu tiên giao thông công cộng, với loại hình vận tải khối lượng lớn và trung bình. Hiện nhiều đô thị lớn xác định trọng tâm là phát triển đường sắt đô thị.
Đây là xu thế khoa học, song rất cần xây dựng hệ thống kỹ thuật đặc thù để gắn ứng dụng phù hợp với thực tế từng đô thị, nhất là khi áp dụng mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD).
Tại các đô thị lớn, cùng với đột phá về giao thông công cộng là phát triển giao thông tĩnh. Thực trạng áp lực về giao thông tĩnh vừa qua cho thấy, bất cập giữa gia tăng dân số và phát triển phương tiện giao thông cá nhân chưa được kiểm soát.
Giai đoạn tới, khi Luật Đất đai 2024 đi vào thực tiễn sẽ tạo thuận lợi để khai thác không gian ngầm; giải quyết điểm nghẽn về các dự án giao thông tĩnh, nhất là bãi đỗ xe ngầm mà Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi động từ nhiều năm nay, nhưng triển khai đầu tư xây dựng chậm.
Từ định hướng về phát triển kinh tế-xã hội, phát triển bền vững đô thị, mỗi đô thị, nhất là các đô thị lớn phải xác định khâu đột phá là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và trọng tâm là hệ thống giao thông. Từ đó, từng bước, giải quyết được áp lực về giao thông đô thị./.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Giao thông đô thị là thách thức lớn trong quá trình phát triển của Thủ đô
Tại phiên chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội, các đại biểu cùng đặt câu hỏi về vấn đề các dự án bãi đỗ xe chậm triển khai, yêu cầu các sở, ngành giải trình.