Phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi robot điều trị cho bệnh nhi

Tiến sỹ Phạm Duy Hiền và các đồng nghiệp hiện đang tiếp tục phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi robot nhằm đem lại sự khỏe mạnh cho các bệnh nhi mắc bệnh lý phức tạp của trẻ em.
Phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi robot điều trị cho bệnh nhi ảnh 1Một ca phẫu thuật nội soi bằng robot. (Ảnh: TG/Vietnam+)

Trong 2 năm trở lại đây, khi nhắc đến những thành tựu của y tế Việt Nam, các nhà chuyên môn và quản lý y tế không thể không nhắc đến phương pháp phẫu thuật nội soi bằng robot, một phương pháp phẫu thuật hiện đại bậc nhất của thế giới đã được ứng dụng thành công tại Việt Nam.

Người may mắn được tiếp cận và đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật nội soi robot là tiến sỹ-bác sỹ Phạm Duy Hiền, Phó Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hiện, anh và các đồng nghiệp tiếp tục phát triển kỹ thuật này nhằm đem lại nhiều hơn cơ hội được điều trị bằng kỹ thuật hiện đại bậc nhất cho các bệnh nhi mắc bệnh lý phức tạp của trẻ em.

Đưa ứng dụng phẫu thuật nội soi robot về Việt Nam

Ngay sau khi được đào tạo bác sỹ nội trú ở Bệnh viện Việt-Đức và đào tạo ở Pháp, năm 2003, tiến sỹ Phạm Duy Hiền trở về Việt Nam và gắn bó với khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, anh và các đồng nghiệp tập trung vào phát triển kỹ thuật nội soi nhi khoa.

Mỗi năm, khoa Ngoại của anh thực hiện từ 7.000-8.000 ca phẫu thuật nội soi trên tổng số 10.000 ca phẫu thuật của cả bệnh viện.

Với ấp ủ đưa kỹ thuật cao của thế giới ứng dụng vào chuyên ngành nhi khoa, năm 2011, tiến sỹ Phạm Duy Hiền được Bệnh viện cử sang Hàn Quốc học về phẫu thuật nội soi robot.

Là người đầu tiên được chuyển giao về phẫu thuật nội soi robot, anh không khỏi lo lắng khi đa số các nước đã phát triển phẫu thuật nội soi robot như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore đều ứng dụng trên người lớn chứ không phải trên bệnh nhi.

Trước thực tế này, tiến sỹ Phạm Duy Hiền và các đồng nghiệp đã tìm hiểu đặc điểm, điều chỉnh “tính nết” của con robot để thực hiện được ở các bệnh nhân nhi.

“Với trẻ nhỏ dưới 10kg, việc đặt các dụng cụ phẫu thuật trên thành bụng rất khó khăn do thành bụng trẻ hẹp, khi dụng cụ liền nhau sẽ gây va đập trong quá trình phẫu tích (tách các thành phần cấu tạo của một bộ phận, một vùng). Để robot chấp nhận phẫu tích ở khoảng cách hẹp mà vẫn an toàn, các bác sỹ đã sáng tạo cách kê bệnh nhân cao hơn và điều chỉnh phù hợp với tầm nhìn của robot,” bác sỹ Hiền giải thích.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí trong quá trình phẫu thuật, những chi tiết nào không cần dùng robot thì kíp mổ sẽ dùng các dụng cụ nội soi thông thường, miễn là bảo đảm hiệu quả điều trị. Với phẫu thuật nội soi robot, tình trạng đau sau mổ gần như không có hoặc rất ít.

Dĩ nhiên, hạn chế của robot là không có cảm nhận tay nên trong quá trình khâu vết mổ, phẫu thuật viên điều khiển robot phải cảm nhận bằng mắt để “đo” chính xác đường khâu đã bảo đảm đủ sâu và chắc chắn hay chưa.

Nhớ lại ca đầu tiên thực hiện phẫu thuật cùng chuyên gia Hàn Quốc, tiến sỹ Phạm Duy Hiền chia sẻ: “Vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp và căng thẳng đến toát mồ hôi giữa thời tiết giá rét của mùa đông Hà Nội.”

Sau ca phẫu thuật căng thẳng và đầy cảm xúc đó, anh đã trở thành phẫu thuật viên chính của những ca phẫu thuật nội soi robot với những bệnh lý về u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, hội chứng khúc nối niệu quản - bể thận và các bệnh lý lồng ngực.

Khẳng định bước phát triển của ngành Nhi khoa

Hiện nay, tiến sỹ-bác sỹ Phạm Duy Hiền cùng các đồng nghiệp đã hoàn thiện cuốn sách Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội soi nhi khoa bằng robot và đã được Bộ Y tế phê duyệt. Đây là cẩm nang để các bác sỹ phẫu thuật nội soi robot thực hiện.

Bên cạnh đó, Trung tâm Nội soi Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương do anh làm Giám đốc đã có thêm 6 bác sỹ có thể đảm nhiệm việc phẫu thuật nội soi bằng robot.

Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, đến nay đã có gần 80 bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi robot, trong đó tiến sỹ-bác sỹ Hiền là phẫu thuật viên chính cho gần 40 trường hợp.

Thành công của gần 80 ca phẫu thuật nội soi bằng robot đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành Nhi khoa Việt Nam, khẳng định năng lực, vị thế của bác sỹ Việt Nam trong ngành Ngoại nhi thế giới

Với những ưu thế vượt trội so với các phương pháp phẫu thuật trước đây như an toàn, đỡ đau, nhanh hồi phục, thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn,… nhưng mỗi ca mổ này đều có chi phí rất cao, khoảng 50-80 triệu đồng/ca.

“Để thực hiện được 80 ca phẫu thuật nội soi bằng robot, Bệnh viện đã phải tự bù thêm một phần kinh phí không nhỏ để người bệnh được hưởng dịch vụ kỹ thuật y khoa hàng đầu thế giới mà chỉ thanh toán bằng giá của phẫu thuật nội soi thông thường”, tiến sỹ-bác sỹ Hiền cho biết.

Tiến sỹ-bác sỹ Phạm Duy Hiền mong muốn Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm thông qua giá viện phí đối với phương pháp phẫu thuật nội soi robot để có thêm nhiều cơ hội cho trẻ được phẫu thuật nội soi robot, một kỹ thuật tiên tiến hàng đầu của thế giới mà các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm chủ được kỹ thuật.

Phẫu thuật nội soi robot là phương pháp thuật nội soi được thực hiện bởi người máy điều khiển từ xa (robot). Thay vì các thao tác phân tích, cắt, khâu nối… bởi phẫu thuật viên trực tiếp thực hiện, robot thực hiện dưới sự điều khiển bởi phẫu thuật viên từ buồng điều khiển.

Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi robot so với phương pháp nội soi thông thường là tính chính xác cao, do góc phẫu thuật rộng 580 độ, robot có thể di chuyển tự do ở 6 góc độ.

Bên cạnh đó, phương pháp này đặc biệt an toàn và đem lại hiệu quả cao đối với những bệnh lý phức tạp như nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật… do vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn, ít gây chảy máu và bệnh nhân khỏi bệnh nhanh, rút ngắn thời gian sau mổ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục