Liên quan đến vấn đề cấp thiết về phát triển nhà ở xã hội, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng Chín, diễn ra vào cuối chiều nay, 30/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết pháp luật hiện nay đã quy định rất rõ các hình thức đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội; trong đó có cả hình thức Nhà nước đầu tư.
Hình thức thứ hai, theo ông Sinh là huy động các nguồn lực thông qua huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và các hình thức đầu tư khác. Đây đang là hình thức đầu tư chính hiện nay.
“Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà trong việc đầu tư các dự án phát triển nhà ở xã hội. Lý do là lợi nhuận mỏng, khó tiếp cận tín dụng cũng như các quỹ đất,” ông Sinh nói.
Về vấn đề trên, ông Sinh cho biết hiện nay, pháp luật về nhà ở đã có quy định liên quan đến việc dành quỹ đất cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Trước đây, việc dành quỹ đất cho đầu tư phát triển nhà ở xã hội, chủ yếu là thực hiện trên quỹ đất 20% trong các dự án phát triển nhà ở thương mại[‘Cú hích’ lớn cho thị trường bất động sản sẽ bắt đầu từ đầu quý I/2024]
“Tuy nhiên, hiện nay, Luật Nhà ở 2014 đã được sửa đổi theo hướng sẽ giao cho ủy ban nhân dân địa phương (ủy ban nhân dân cấp tỉnh) dành đủ quỹ đất theo chương trình phát triển nhà ở. Như vậy, việc đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ đầy đủ hơn và cũng sẽ dễ tiếp cận hơn,” ông Sinh nhấn mạnh.
Về vấn đề ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, theo ông Sinh đây là nội dung được Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp quan trong trong thời gian qua.
“Ưu đãi nhiều hay ít cũng là việc cần thiết để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Trong giai đoạn vừa qua cũng đã có một số quy định rất rõ như quy định về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập, hỗ trợ vay vốn đầu tư. Với những ưu đãi này, thời gian qua đã có rất nhiều nhà đầu tư tham gia,” ông Sinh nói.
Tuy vậy, ông Sinh cũng lưu ý thời gian tới khi sửa Luật Nhà ở 2014, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội theo hướng “có sự hỗ trợ tích cực hơn” cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; trong đó có quy định về miền tiền sử dụng đất, cũng như có hỗ trợ liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT và được hưởng lợi nhuận 10%.
“Đặc biệt là doanh nghiệp, nhà đầu tư được dành 20% diện tích đất để đầu tư các khu thương mại, dịch vụ phục vụ cho cư dân trong khu đô thị. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng sẽ được các địa phương đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu nhà ở xã hội mà doanh nghiệp triển khai,” ông Sinh nói.
Một vấn đề quan trọng, là lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, được ông Sinh phân tích kỹ: “Trong quá trình sửa đổi luật, có nhiều ý kiến cho rằng tại sao không nâng lợi nhuận lên 15%? Chúng tôi đã khảo sát và thấy rằng như vậy sẽ làm nâng giá bán nhà cho người thu nhập thấp. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cũng thấy lợi nhuận 10% là chấp nhận được rồi
Cũng theo ông Sinh, điều quan trọng doanh nghiệp đang cần là cải cách thủ tục hành chính. Do vậy, các địa phương phải tích cực vào cuộc để giải quyết việc này để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.
“Hơn thế, các doanh nghiệp cũng được tiếp cận, hỗ trợ, vay lãi suất ưu đãi… Riêng với nhà ở xã hội đã có gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ để các chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2%. Đó là những chính sách hết sức kịp thời,” ông Sinh nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Vì thế, trong giai đoạn tới, nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ tốt hơn.
Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ký đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 với những giải pháp rất đồng bộ, sẽ đồng bộ cả về thể chế, thủ tục hành chính, nguồn vốn, đất đai.
“Sắp tới, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá X sẽ thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nhóm chính sách nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay. Tôi tin là thời gian tới nhà ở xã hội sẽ phát triển tốt và đáp ứng được nhu cầu hiện nay,” ông Sinh nói thêm./.