Kể từ khi bước sang thế kỷ 21, văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc để trở thành động lực xuất khẩu chính trong lĩnh vực giải trí, âm nhạc, phim truyền hình và điện ảnh, qua đó ngoại giao văn hóa đã nổi lên song song với các lợi ích kinh tế.
Báo The Korea Herald ngày 15/8 có bài viết đánh giá về hiện tượng phát triển văn hóa đại chúng Hàn Quốc và những mặt trái.
Theo bài viết, một loạt bộ phim do Hàn Quốc sản xuất đã trở thành "siêu phẩm." Bộ phim "Parasite" (Ký sinh trùng) đã trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Oscar cho Phim truyện hay nhất và cũng là đại diện đầu tiên của Xứ sở Kim chi đoạt giải Cành cọ Vàng.
Thành tích này giúp tác phẩm của đạo diễn Bong Joon-ho trở thành bộ phim thứ 3 trong lịch sử điện ảnh thế giới giành cả giải Oscar và Cành cọ Vàng, sau "The Lost Weekend" (năm 1945) và "Marty" (năm 1955).
Trong khi đó, video âm nhạc "Boy With Luv" của nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu BTS đã thu hút hơn 1,5 tỷ lượt xem trên YouTube tính đến tháng 8 này.
Bài viết cho rằng sự phổ biến văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu giúp củng cố "quyền lực mềm" của nước này, theo đó Hàn Quốc đứng thứ 12 trong Bảng xếp hạng "quyền lực mềm" toàn cầu năm 2022 của Brand Finance, đứng thứ 2 trong Khảo sát quyền lực mềm của Monocle năm 2020 và thứ 19 trong Báo cáo 30 quyền lực mềm của Portland năm 2019.
[Sức hút của nền văn hóa Hàn Quốc: Kết nối truyền thống và hiện đại]
"Quyền lực mềm" là một thuật ngữ do nhà khoa học chính trị người Mỹ Joseph Nye đưa ra vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, đề cập “khả năng đạt được các kết quả ưu tiên bằng cách thu hút hơn là ép buộc.”
Theo Từ điển Oxford, "quyền lực mềm" liên quan "việc sử dụng ảnh hưởng kinh tế hoặc văn hóa hơn là sức mạnh quân sự."
Giáo sư xã hội học thuộc trường Đại học Stanford Shin Gi-wook và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein cho rằng các nhà sản xuất nội dung Hàn Quốc đã xuất sắc trong việc tạo ra nội dung hấp dẫn đối với toàn cầu.
Trong giai đoạn đầu, làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) đã gây được tiếng vang với khán giả chủ yếu là người châu Á. Tuy nhiên, hiện nay, văn hóa Hàn (K-culture) đã gây được tiếng vang lớn với khán giả toàn cầu.
Theo Giáo sư Shin Gi-wook, các bộ phim của Hàn Quốc như "Parasite," "Squid Games" (Trò chơi con mực) đã khéo léo mổ xẻ những vấn đề như bất bình đẳng trong xã hội, khủng hoảng người tị nạn và xã hội siêu cạnh tranh - những vấn đề mà toàn thế giới phải đối mặt kể từ sau cuộc suy thoái 2007-2009.
Đặc điểm của nội dung văn hóa Hàn Quốc là các bộ phim không đi vào phân luồng giữa cái thiện và cái ác vốn phổ biến trong các bộ phim Hollywood và đang dẫn đầu thị trường nội dung văn hóa toàn cầu.
Nhà phân tích Han Sang-woung thuộc Quỹ văn hóa Eugene cho rằng nội dung văn hóa Hàn Quốc được ghi dấu với các chủ đề thoát khỏi áp bức, kiên trì trong hoàn cảnh khó khăn và theo đuổi tự do.
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, sự trưởng thành về văn hóa và việc tạo ra một môi trường xã hội tự do hơn, những chủ đề này được thể hiện như những đặc điểm độc đáo của Hallyu khiến văn hóa Hàn Quốc tạo được sự đồng cảm trên toàn cầu.
Trong khi đó, K-pop phát triển nhanh chóng với cốt lõi là việc tạo ra “hệ thống thần tượng,” trong đó các công ty quản lý lựa chọn ứng cử viên để đưa vào một trình đào tạo nghiêm ngặt bao gồm ca hát, vũ đạo và diễn xuất.
Các nhóm nhạc thần tượng của K-pop nổi lên nhờ kết hợp giữa các ca khúc cộng hưởng cảm xúc với vũ đạo bắt mắt, đồng bộ với diễn xuất. Sự kết hợp các yếu tố này với âm nhạc đã thu hút khán giả hâm mộ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, có những nghi ngờ liệu trạng thái này có bền vững trong tương lai hay không và vấn đề tồn tại trong lĩnh vực giải trí của Hàn Quốc cũng dần lộ diện.
Giáo sư danh dự tại khoa ngôn ngữ và văn học của Đại học Hàn Quốc Kim Woo-chang cho rằng văn hóa đại chúng của Hàn Quốc hướng đến tính thực dụng và động cơ thương mại, thiếu ý tưởng sâu sắc và sự cải thiện nhân bản, vốn là bản chất của văn hóa.
Vào ngày BTS thông báo tạm ngừng hoạt động nhóm mới đây, các thành viên đã nói về cuộc đấu tranh trong hệ thống K-pop giống như một guồng máy, điều này cho thấy các vấn đề của ngành giải trí Hàn Quốc.
Trong buổi họp báo, nhóm trưởng RM của BTS nói: “Vấn đề với K-pop và toàn bộ hệ thống thần tượng là nó không cho bạn thời gian để trưởng thành (với tư cách là một người bình thường)."
Nhiều thần tượng K-pop phàn nàn về việc bị công ty quản lý giám sát gắt gao, gây ra các tác động đối với sức khỏe tâm thần của họ như trầm cảm và rối loạn hoảng sợ, thậm chí có trường hợp tự tử./.