Phổ biến các nội dung của hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU

Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), một số cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý.
Phổ biến các nội dung của hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 28/8, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), một số cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý.

Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về EVFTA trước khi Hiệp định được Chính phủ triển khai các thủ tục phê chuẩn theo luật định.

Tham dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương cùng đại diện nhiều doanh nghiệp trên cả nước.

Hội nghị giới thiệu những nội dung của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) ký kết trong tháng 6/2019, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020.

Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các nội dung liên quan đến EVFTA như các vấn đề về thuế quan, tác động của Hiệp định đối với việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của hàng công nghiệp Việt Nam, công tác quản lý của nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp thương mại, công tác quản lý thị trường, xúc tiến thương mại…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nội dung EVFTA cùng với các hiệp định thương mại đã được ký kết trước đó sẽ trở thành công cụ để tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và đặc biệt là tạo điều kiện cho nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mới hình thành trong quan hệ đối tác với các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, để khai thác tốt cơ hội do hiệp định mang lại, các doanh nghiệp cần tập trung chủ động nghiên cứu, nắm bắt các nội dung của hiệp định. Bộ Công Thương sẽ ưu tiên tổ chức cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, rút kinh nghiệm công việc tổ chức truyền thông cho các hiệp định trước đây, để đưa những thông tin hội nhập EVFTA đi vào thực chất.

Đây là hiệp định thương mại thế hệ mới với những yêu cầu cao hơn, trải rộng trong tất cả các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, bao gồm cả mua sắm chính phủ, đầu tư công... Đặc biệt, với đối tác là các quốc gia châu Âu, nơi thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, thực thi pháp luật về đầu tư, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp với thị trường châu Âu.

EVFTA dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại biểu đã thảo luận, tập huấn chuyên sâu về các cam kết thuế, quy tắc xuất xứ và các dịch vụ- đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.