Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch vào chiều tối 14/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết dự báo Bình Dương có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới COVID-19. Do vậy, tỉnh phải thiết lập ngay hệ thống thông tin dữ liệu, cập nhật liên tục tình hình dịch để phân tích, điều tra dịch tễ, truy vết, xét nghiệm cũng như phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch.
Quyết tâm giữ "vùng xanh" an toàn
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.800 ca mắc COVID-19 ở 9/9 huyện/thị xã/thành phố, trong đó 48 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19, truy vết 9.500 trường hợp F1.
Bình Dương đã xét nghiệm 61.000 mẫu cho khoảng 160.000 người. Các ca bệnh được phát hiện chủ yếu ở 46 ổ dịch và chuỗi lây nhiễm, trong đó, 4 ổ dịch đã được kiểm soát, 42 chưa được kiểm soát.
Toàn tỉnh đã có 7/9 huyện/thị xã/thành phố thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Ông Nguyễn Lộc Hà cho biết với việc tập trung xét nghiệm theo mũi truy vết vào khu vực phong tỏa và vùng nguy cơ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Cùng với việc kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và các huyện/thị xã/thành phố, Bình Dương tiếp tục tăng cường kiểm soát người từ các địa phương khác trở về địa phương; tập trung xét nghiệm, test nhanh kháng nguyên, truy tìm F0 trong cộng đồng; mở rộng năng lực cách ly tập trung trường hợp F1 từ 20.000 lên 30.000 giường.
[Tối 14/7, thêm 829 ca mắc COVID-19, cả ngày ghi nhận gần 3.000 ca]
Bình Dương đã bố trí được 2.400 giường bệnh; trong đó, đã thu dung điều trị cho hơn 1.600 người mắc COVID-19. Tỉnh có năng lực điều trị cho khoảng 4.000 người, đang xây dựng kế hoạch điều trị cho 10.000 người; phê duyệt khu điều trị bệnh nhân nặng, khu điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ sở 2 với việc sẵn sàng các trang thiết bị y tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ địa phương về nhân lực do lượng y bác sỹ tham gia chống dịch trên địa bàn còn hạn chế, trong khi dự báo số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết Bình Dương đang khẩn trương khắc phục tình trạng thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg ở một số nơi. Bình Dương đang phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các lãnh đạo các huyện/thị xã/thành phố, tránh tình trạng bị động, “chờ đợi chỉ đạo từ trên xuống."
Sau khi ghi nhận các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, các lực lượng chống dịch ở cơ sở phải tiếp cận trong vòng 30 phút, điều tra dịch tễ, truy vết, lấy mẫu và quyết định hình thức cách ly; đồng thời thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, phù hợp với tình hình địa phương.
“Tỉnh Bình Dương quyết tâm giữ bằng được những 'vùng xanh' an toàn; tập trung lực lượng để tấn công 'vùng đỏ,' bóc ngay F0 ra khỏi cộng đồng đề hạ thấp nguy cơ xuống thành 'vùng vàng,' sớm trở về ‘vùng xanh’,” Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nêu rõ.
Trong tổ chức sản xuất, lãnh đạo tỉnh Bình Dương yêu cầu trong 5 ngày tới, các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch sản xuất bảo đảm phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ” (ăn nghỉ tại chỗ, sản xuất tại chỗ, cách ly tại chỗ đảm bảo an toàn) sẽ được hoạt động.
Phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ
Hoan nghênh tỉnh Bình Dương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, các huyện/thị xã/thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bình Dương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể vào cuộc… khắc phục tình trạng chủ yếu giao cho lực lượng y tế, công an, quân đội phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Qua thực tế phòng, chống dịch tại các địa phương, việc thực hiện không nghiêm khoanh vùng, cách ly, giãn cách xã hội, để “ngoài chặt trong lỏng” dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo, mất kiểm soát, khiến người dân mất niềm tin.
Bên cạnh đó, Bình Dương phải có chiến lược chốt chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn; tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm… để sớm phát hiện, “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng. Qua đó, các lực lượng từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ để tập trung khoanh vùng, dập dịch, làm sạch địa bàn, đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam,” xuống “vùng vàng” và nhanh về an toàn.
Tỉnh cần thiết lập ngay hệ thống thông tin dữ liệu, cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh để phân tích, điều tra dịch tễ, truy vết, xét nghiệm cũng như phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Bình Dương phải căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để triển khai lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, trong đó, ưu tiên sử dụng xét nghiệm RT-PCR kết hợp với xét nghiệm nhanh theo mức độ nguy cơ dịch ở từng khu vực, bảo đảm chính xác, hiệu quả.
Tỉnh Bình Dương tuyệt đối tránh tình trạng lấy mẫu về nhưng không xét nghiệm hết, phải trả kết quả trong vòng 24 giờ. Các kết quả xét nghiệm phải có đầy đủ thông tin, kể cả nồng độ virus để phục vụ công tác truy vết, điều tra dịch tễ, điều trị.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Bình Dương phải thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân kịp thời, nhanh chóng.
Về công tác cách ly, Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Dương theo dõi sát, thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. Trong điều trị, tỉnh tổ chức các bệnh viện dã chiến hoạt động theo mô hình “tháp 3 tầng” (không có triệu chứng hoặc nhẹ; có triệu chứng; bệnh lý nặng).
“Phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời, đề nghị tỉnh Bình Dương tăng cường phối hợp với các địa phương lân cận nhằm hình thành những vành đai chống dịch an toàn.
Nhấn mạnh phương châm “rõ-nghiêm-chắc-hiệu quả," Phó Thủ tướng nêu rõ người dân và doanh nghiệp biết rõ những việc được và không được làm; các cấp chính quyền phải có “kế hoạch tác chiến” chi tiết từng ngày; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch; đồng thời phải giữ chắc “vùng xanh” và "xét nghiệm chỗ nào, chắc chỗ đó”; đặt mục tiêu “hiệu quả phòng, chống dịch trên hết."
“Nếu hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế chưa phù hợp với thực tiễn, tỉnh phát huy sáng tạo, mạnh dạn vừa làm, vừa điều chỉnh, đồng thời tổng hợp báo cáo cấp trên để kịp thời tháo gỡ," Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.