Dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đã chính thức được thông xe kỹ thuật vào chiều nay (ngày 29/9), rút ngắn thời gian lưu thông từ từ Hà Nội-Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn khoảng 2,5 tiếng đồng hồ so với tuyến Quốc lộ 1 cũ.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên, các nhà đầu tư của giai đoạn đó yếu kém về nguồn lực và năng lực quản trị nên đã bị chậm tiến độ gần 2 năm (đến tháng 6/2017 hợp phần Quốc lộ 1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc).
Người đứng đầu nhà đầu tư lúc đó là ông Nguyễn Văn Dương (thuộc Công ty UDIC) đã bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc bằng công nghệ cao. Dự án rơi vào đình trệ hoàn toàn, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực vỡ nợ vì họ đã ứng hàng trăm tỷ đồng để thực hiện công trình.
Tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư mới thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc dự án như chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém năng lực, giải ngân cho một loạt nhà thầu khiến họ như “chết đi sống lại.”
Với kinh nghiệm xử lý các vướng mắc thường gặp ở các dự án trước đây, nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu mạnh tiếp cứu đến nay dự án đã hoàn thành và Thông xe cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn (đoạn tuyến Bắc Giang-Chi Lăng).
“Không chỉ bù đắp lại tiến độ bị chậm hơn 2 năm trước đây mà dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đã hoàn thành chỉ trong vòng hơn 2 năm bởi không có công trình cao tốc nào ở nước ta có thể hoàn thành trước 5 năm,” ông Hoàng nhấn mạnh.
[Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sắp thông xe, chờ kết nối toàn tuyến]
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, đột phá về hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ cao tốc nhằm nâng cao năng lực vận tải, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhân tố huy động nguồn lực phát triển kinh tế cùng với thể chế về môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
“Theo chiến lược phát triển hệ thống đường cao tốc, nước ta sẽ có khoảng 6.411km ở cả 3 miền vào năm 2030 trong đó, đến năm 2020 đưa vào thêm 2.000km đường cao tốc và đến 2030 đưa vào khoảng 1.000km nữa. Đến nay, cả nước hoàn thành hơn 1.000km đường cao tốc. Việc phát triển cao tốc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng của dự án đi qua,” Phó Thủ tướng cho biết.
Nhấn mạnh dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn là tuyến đường quan trọng, là một trong những cửa ngõ giao thương đường bộ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, Phó Thủ tướng khẳng định, trong tương lai gần làm hoàn thiện Chi Lăng-Hữu Nghị dài 30km sẽ kết nối toàn tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, du lịch phía Đông Bắc.
Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, sự phối hợp của nhà đầu tư và nhà thầu, tập thể kỹ sư, công nhân viên lao động trên công trường dự án đồng thời yêu cầu các bên liên quan hoàn thiện các công việc còn lại của dự án để sớm hoàn thành, nghiệm thu và thu phí./.
Tuyến cao tốc có điểm đầu tại Km45+100 (giao cắt với Quốc lộ 1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại Km108+500, nối với điểm cuối Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang. Đường có bề rộng 25m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 100km/giờ. Dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn có tổng chiều dài gần 170km, gồm hai hợp phần là xây dựng 64km đường cao tốc đoạn Km45+100-Km108+500 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800-Km106+500 (dài 105km). Công trình có tổng mức đầu tư lên tới hơn 12.000 tỷ đồng được khởi công vào tháng 7/2015. |