Phòng chống bệnh dại ở Hưng Yên: Tiền hô rầm rộ, hậu lắng như tờ

Hơn hai tuần sau khi phát hiện bệnh dại trên đàn chó mèo ở xã Thủ Sỹ, Tiên Lữ, Hưng Yên, việc phòng chống dịch mới chỉ rầm rộ ở mức "phát" mà chưa "động."

Hơn hai tuần sau khi phát hiện bệnh dại trên đàn chó mèo ở xã Thủ Sỹ, Tiên Lữ, Hưng Yên, mặc dù các cơ quan chức năng chỉ đạo khẩn cấp phòng chống dập dịch, song ngay tại nơi được coi là tâm vùng dịch, hiện tượng chó dại cắn chết người nhưng việc phòng chống dịch mới chỉ rầm rộ ở mức "phát" mà chưa "động."

Cấm cũng như không

Thủ Sỹ là vùng chăn nuôi chó mèo với số lượng lớn gấp nhiều lần những nơi khác, với khoảng 1.700 hộ có tới gần 3.500 con chó, mèo. Hầu như nhà nào cũng nuôi ít nhất vài ba con chó, mèo để bán thịt hoặc nuôi sinh sản kinh doanh.

Việc mua bán chó mèo diễn ra quanh năm khi chợ Ba Hàng - đầu mối thu gom mèo thịt từ khắp nơi về để vận chuyển sang Thái Bình nơi giáp ranh với Thủ Sỹ. Đặc biệt chợ có hàng chục hộ kinh doanh chó thịt cung cấp cho các nhà hàng ở khắp nơi.

Ngay sau khi xảy ra dịch, ngành thú y đã phối hợp với chính quyền xã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn dập dịch, đồng thời lập hai chốt kiểm dịch và có lệnh nghiêm cấm vận chuyển buôn bán giết mổ chó mèo nhưng cảnh mua bán vẫn sôi động như khi chưa có dịch.

Ngay ngã tư thôn Ba Hàng, cách chốt kiểm dịch chưa đầy 100m, cảnh mua bán chó mèo khá sôi động. Người dân cho biết chốt kiểm dịch đặt ngay cạnh Ủy ban Nhân dân xã nhưng cũng chỉ để cho có.

Bà Nguyễn Thị Thu bày bán hơn 30 con mèo thản nhiên cho biết dù có được nghe về chuyện chó dại cắn chết người nhưng chưa thấy ai nhắc nhở về chuyện cấm mua bán chó mèo.

Còn chị Trần Thị Lập ôm khư khư lồng chó cũng khẳng định biết là có dịch nhưng chó nhà chị vẫn bình thường không có biểu hiện gì nên vẫn mang ra chợ bán.

Xã Thủ Sỹ cũng đã có lệnh yêu cầu các hộ dân nhốt xích chó mèo, nếu không thực hiện sẽ tiêu hủy lập tức, song tại các trục đường chính của các thôn Tất Viên, Ba Hàng, Nội Lăng và khắp mọi ngõ xóm hàng chục con chó vẫn cứ chạy rông khắp nơi, vô tư xả chất thải ra đường mà không bị ai ngăn cản và không có giải pháp.

Các hộ chăn nuôi chó thì bình thản cho rằng bệnh dại không may chỉ rơi vào một vài hộ cá biệt, đàn chó mèo của mọi nhà chưa có biểu hiện gì khác thường nên không cần phải đề phòng.

Dịch chết người vẫn chưa lo phòng bệnh

Trước đó, vào tháng Sáu, con chó hơn 1 tháng tuổi của gia đình ông Phạm Xuân Trường ở thôn Tất Viên đã cắn chín người trong gia đình và một người hàng xóm.

Sau đó, vợ ông Trường là bà Bùi Thị Đặng có biểu hiện khác thường và lên cơn co giật đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu.

Qua kiểm tra lâm sàng và xét nghiệm máu, bác sỹ kết luận bà Đặng nhiễm virus dại ở giai đoạn toàn phát, không thể cứu chữa nên đã mất ngày 9/7.

Số người còn lại trong gia đình đến bệnh viện xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với virus dại; do phát hiện sớm và được tiêm vắcxin kịp thời nên sức khỏe của họ đã ổn định.

Người dân Thủ Sỹ cho biết từ đầu năm đến nay cả xã có hơn 30 người bị chó mèo cào cắn, hơn 10 người xét nghiệm dương tính với virus dại. Do vậy, Thủ Sỹ đã được xác định là vùng dịch, song việc phòng chống dịch cũng chỉ là hình thức.

Ngành thú y và chính quyền địa phương đã đưa ra các biện pháp yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các bước tiêm phòng, nhốt xích đàn chó mèo, đặt chốt kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ việc mua bán giết mổ, khử trùng tiêu độc, thậm chí sẽ đập và tiêu hủy chó mèo thả rông hoặc chưa tiêm phòng... Tuy nhiên mọi biện pháp đưa ra cũng chỉ là hô hào.

Từ khi xảy ra việc bà Bùi Thị Đặng, thôn Tất Viên bị lên cơn dại và tử vong, việc phòng chống dịch diễn ra khẩn trương rầm rộ nhưng chỉ sau vài ngày lại lắng xuống.

Ban đầu tỉnh có công văn khẩn cấp chỉ đạo, ngành chức năng và địa phương cấp tập triển khai mọi công việc phòng chống, rốt ráo tiêm phòng ngay cho toàn bộ đàn chó mèo, nhưng chỉ được ngày đầu tiên, cả xã tiêm phòng được gần 1.000 con trong tổng số gần 3.500 con chó mèo, đạt khoảng gần 30% và không tiêm thêm được con nào.

Ông Lê Đình Biên, cán bộ thú y xã, cho biết dịch bệnh xảy ra đúng vào mùa vụ gieo cấy hầu hết người lớn bận ra đồng làm việc, thôn xóm chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà nên việc triển khai tiêm phòng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi chó vẫn thả tự do nên rất khó kiểm soát.

Một lãnh đạo xã cho biết bệnh dại đang bùng phát ở Thủ Sỹ với hơn 30 trường hợp bị chó mèo cào cắn, trong đó nhiều trường hợp bị chó dại tấn công.

Đáng lo ngại là nhiều người bị chó dại cắn vẫn thờ ơ với mạng sống của mình không chịu đi tiêm vắcxin phòng chống bệnh dại. Cán bộ xã cho biết dù đã ra sức tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh dại, nhưng nhiều người vẫn không chịu nghe.

Dư luận thì cho rằng nếu ngành thú y và chính quyền làm triệt để thì không có chuyện mọi việc chỉ diễn ra rầm rộ trong một vài ngày đầu, với hình thức nửa vời kiểu "đầu voi đuôi chuột" như trên. Nhưng nếu dịch bệnh ở Thủ Sỹ tiếp tục lây lan thì lỗi là do người dân chủ quan; còn nếu dịch không còn thì lại do sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục