Phòng chống COVID-19 ở mức cao nhất: "Chia lửa" cùng Đà Nẵng

Hướng về khúc ruột miền Trung những ngày gần đây cả người dân và các y bác sỹ đang căng mình đối phó với dịch COVID-19, Bộ Y tế đã cử nhiều chuyên gia có kinh nghiệm “trận mạc” tiếp sức.
Phòng chống COVID-19 ở mức cao nhất: "Chia lửa" cùng Đà Nẵng ảnh 1Xe chuyên dụng thực hiện phun hóa chất ở trên một số tuyến đường quận Sơn Trà. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 phòng, chống dịch COVID-19. Dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế-xã hội của đất nước.

Ngành y tế và chính quyền các cấp đang khẩn trương rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất.

[Một nhân viên y tế tại Đà Nẵng ngất xỉu vì làm việc quá sức]

Hướng về khúc ruột miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế) những ngày gần đây cả người dân và các y bác sỹ đang căng mình đối phó với dịch COVID-19, Bộ Y tế đã cử nhiều chuyên gia có kinh nghiệm “trận mạc” tiếp sức.

Các chuyên gia ở các Viện đầu ngành về phòng chống dịch, xét nghiệm, điều trị đã “đã lăn” vào cuộc chiến để “3 cùng” với y tế dự phòng Đà Nẵng: Cùng đi xuống dân, cùng giám sát, cùng chia sẻ kinh nghiệm.

10 ngày: 237 trường hợp mắc COVID-19

Tính đến 6 giờ sáng 4/8/2020, cả nước ghi nhận 652 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 324 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam), 6 trường hợp tử vong.

Từ ngày 25/7/2020 đến nay đã có 237 trường hợp, trong đó có 205 trường hợp lây nhiễm trong nước tại tại 9 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (143 trường hợp), Quảng Nam (43), Đắk Lắk (3), Thành phố Hồ Chí Minh (8), Quảng Ngãi (3), Hà Nội (2), Thái Bình (1), Đồng Nai (1), Hà Nam (1).

Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng. Trong đó đã có 6 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh COVID-19: Đà Nẵng ghi nhận 5 trường hợp (BN428, BN437, BN499, BN475, BN429), Quảng Nam ghi nhận 1 trường hợp (BN524). Đây là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng.

Phòng chống COVID-19 ở mức cao nhất: "Chia lửa" cùng Đà Nẵng ảnh 2án bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm cho các công dân trên đường Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Về công tác xét nghiệm: tính đến ngày 3/8/2020 trên cả nước đã thực hiện tổng số 493.481 xét nghiệm Realtime RT-PCR. Từ ngày 23/7-3/8, Đà Nẵng đã thực hiện 13.321 xét nghiệm (riêng ngày 3/8 xét nghiệm 1.140 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 3.336 xét nghiệm (riêng ngày 3/8 xét nghiệm 106 mẫu); Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 19.382 xét nghiệm (riêng ngày 3/8 xét nghiệm 3.421 mẫu).

Diễn biến rất phức tạp

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực phòng chống dịch COVID-19. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tình hình bệnh dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đã có trường hợp lây nhiễm từ người bệnh sang người bệnh, nhân viên y tế, người nhà, người chăm sóc người bệnh.

Đáng lưu ý, trong đợt này dịch COVID-19 càng trở nên nguy hiểm khi lây sang những người bệnh cao tuổi có nhiều bệnh kèm theo, đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo.

Trước tình hình trên ngày 3/8, Bộ Y tế đã có Công điện gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Các tỉnh khẩn trương rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất.

Phòng chống COVID-19 ở mức cao nhất: "Chia lửa" cùng Đà Nẵng ảnh 3Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (phải), Trưởng Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế "cắm chốt" tại Đà Nẵng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch,” các khu vực nguy cơ cao tại thành phố Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp trong cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả, không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc,” tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Nhiều đoàn tinh nhuệ nhất tiếp sức Đà Nẵng

Giáo sư Nguyễn Thanh Long-Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, để ứng phó một cách nhanh nhất, Bộ Y tế đã áp dụng các biện pháp chưa từng có tiền lệ khi huy động tổng lực các chuyên gia dày kinh nghiệm chống dịch đến Đà Nẵng, hỗ trợ thêm Quảng Nam.

Ngay khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm... tiếp sức cho Đà Nẵng.

Phòng chống COVID-19 ở mức cao nhất: "Chia lửa" cùng Đà Nẵng ảnh 4Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh cho người về từ Đà Nẵng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngay ngày đầu tiên, Đà Nẵng có ca bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã khẩn cấp cử 4 đội công tác (giám sát dịch, điều trị, xét nghiệm) vào thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ hoạt động chuyên môn cho các cơ sở y tế. Đây là những chuyên gia đầu ngành về điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, cách ly, truyền nhiễm đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân nặng 91-nam phi công người Anh, trong phân lập virus và trong cách ly, khoanh vùng dập dịch tại Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận...

Ngoài ra, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại thành phố Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng Bộ phận Thường trực để tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với địa phương trong việc khẩn trương đáp ứng với tình hình dịch bệnh nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh .

Về điều trị, Bộ Y tế cũng cử những giáo sư, chuyên gia y tế đầu ngành của bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Bạch Mai (hơn 40 chuyên gia và bác sỹ) và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và tư vấn, hướng dẫn vận chuyển bệnh nhân nặng ra Bệnh viện Trung ương Huế và nhẹ về các bệnh viện tuyến dưới nhằm giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Thực hiện đào tạo, hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật cho các cán bộ y tế thuộc y tế cơ sở của thành phố.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Đội trưởng Đội điều trị cho hay lần này các chuyên gia hồi sức tích cực đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai “đã lăn” vào cuộc chiến. Nhiều cuộc hội chẩn trực tuyến xin ý kiến từ các chuyên gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh liên tục được diễn ra đối với những bệnh nhân nặng.

Phòng chống COVID-19 ở mức cao nhất: "Chia lửa" cùng Đà Nẵng ảnh 5Phó giáo sư Trần Như Dương (phải), Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có mặt ngay những ngày đầu xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt, Đội trưởng Đội điều tra, giám sát dịch cho hay: “Với kinh nghiệm của chúng tôi đã từng trải qua các ổ dịch tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bình Thuận, lần này có sự góp mặt của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm 'trận mạc' ở các Viện đầu ngành về phòng chống dịch, đã '3 cùng' với y tế dự phòng Đà Nẵng: Cùng đi xuống dân, cùng giám sát, cùng chia sẻ kinh nghiệm.”

Trong điều trị người bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã triển khai phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ Bệnh viện Đà Nẵng ra điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Các chuyên gia của Bộ Y tế tại Đà Nẵng đã cùng với ngành y tế của thành phố tổ chức thực hiện việc giải tỏa bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng làm giảm khả năng lây nhiễm tại khu vực bệnh viện đồng thời chỉ đạo giải phóng nhân viên y tế ra khỏi khu vực bệnh viện đến các khu cách ly riêng.

Trong giai đoạn này, dịch bệnh với những diễn biến mới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhân dân đề cao cảnh giác phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh, không hoang mang, lo lắng và tiếp tục tin tưởng, ủng hộ, tự giác tham gia, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và Bộ Y tế.

Đặc biệt, mỗi người dân tiếp tục là một chiến sỹ, mỗi thôn, xóm, làng, bản, khu phố… là pháo đài, cùng chung sức, đồng lòng chung tay đẩy lùi dịch bệnh./.

Phòng chống COVID-19 ở mức cao nhất: "Chia lửa" cùng Đà Nẵng ảnh 6Mỗi người dân tiếp tục là một chiến sỹ, mỗi thôn, xóm, làng, bản, khu phố… là pháo đài, cùng chung sức, đồng lòng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục