Mặc dù mới bóc lớp đất mặt, chưa khai thác khoáng sản nhưng hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thạch Xuân ở khu 12, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt duy nhất của 26 hộ dân và làm nhiều diện tích ruộng bị đất cát vùi lấp, đường dân sinh bị ảnh hưởng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Sát khu vực mỏ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thạch Xuân là moong nước lớn và là nguồn nước duy nhất phục vụ nước sinh hoạt cho 26 hộ dân khu 12 và 2 xứ đồng của người dân.
Trước khi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thạch Xuân khai thác đã hứa với người dân không để mất nước hay gây ô nhiễm nguồn nước.
Thế nhưng Công ty đã để đất đá tràn xuống moong nước khiến mỗi khi trời mưa nước đục ngầu, không thể sử dụng được.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Lượng, trú tại khu 12 rất bức xúc: Bao đời nay, người dân ở đây sống yên ổn nhưng từ khi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thạch Xuân bóc lớp đất mặt, cuộc sống của người dân bị đảo lộn rõ rệt.
Khi thấy nước sinh hoạt bị vẩn đục, không thể sử dụng được, người dân có ý kiến, công ty cũng cử người về kiểm tra và hứa nọ hứa kia nhưng sau đó không thực hiện. Ngay cả khi đường dẫn nước hỏng công ty cũng không chịu trách nhiệm.
Là nguồn nước sinh hoạt duy nhất nên mỗi khi trời mưa, nước bị đục, người dân đành phải chờ cho nước lắng đất cát mới sử dụng được.
Theo ông Đinh Văn Mạnh, trưởng khu 12, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thạch Xuân đã họp với người dân để bàn phương án khắc phục tình trạng nước bị vẩn đục hoặc hỗ trợ người dân tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt khác nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất.
Cũng theo phản ánh của người dân, hoạt động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thạch Xuân không chỉ làm ảnh hưởng đến nguồn nước mà mỗi khi trời mưa nước trên mỏ đổ về cuốn theo đất cát làm bồi lấp nhiều ruộng trồng lúa, hoa màu.
Chỉ về hướng thửa ruộng khoảng 5 sào đã bị một lượng bùn, cát khá dầy phủ kín, ông Tô Văn Hùng cho biết trước đây, trên mảnh đất này, gia đình ông trồng được một vụ lạc và hai vụ ngô thì nay phải bỏ hoang vì không thể canh tác được.
[Phạt hơn 770 triệu đồng đối với 5 doanh nghiệp gây ô nhiễm]
“Không chỉ gia đình tôi có ruộng bị đất đá từ trên đồi thuộc mỏ của Công ty Thạch Xuân vùi lấp, không thể canh tác được mà nhiều hộ gia đình ở đây cũng bị tương tự. Sự việc đã rõ ràng nhưng công ty chối bỏ trách nhiệm và đổ lỗi là do thiên nhiên” - ông Hùng bày tỏ.
Còn theo bà Đinh Thị Dinh, khu 12, xã Tất Thắng, ngoài những hiện tượng trên, trong quá trình Công ty Thạch Xuân chở đất thải, đất bóc mặt của mỏ đem đi đổ đã sử dụng xe trọng tải lớn, chạy trên đường dân sinh khiến con đường này bị hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Đặc biệt, người dân rất lo ngại khi Công ty Thạch Xuân đi vào khai thác rầm rộ có thể khiến những dòng suối quanh khu vực mỏ cũng bị bồi lấp, làm thay đổi dòng chảy, nguy cơ khôn lường.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Quốc Toản - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn thừa nhận, trong quá trình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thạch Xuân bóc lớp đất mặt đã làm cho nguồn nước của 26 hộ dân bị vẩn đục không thể sử dụng vào những ngày mưa.
Nhiều diện tích hoa màu của người dân cũng bị vùi lấp. Xe quá khổ đi vào đường dân sinh khiến đường bị hỏng và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
"Về nguồn nước sinh hoạt, công ty đang đàm phán với người dân tìm phương án tối ưu. Đối với những diện tích ruộng bị vùi lấp, công ty cho biết sẽ bồi thường cho người dân hoặc mua lại những thửa ruộng đó. Còn về việc đất thải được công ty chở ra khỏi mỏ khi chưa có giấy phép vận chuyển là vì xã xin để làm san lấp làm hạ tầng cho trường mầm non. Khi có ý kiến của người dân về việc xe làm hỏng đường và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn xã đã chỉ đạo công ty phải hạ tải. Rất có thể, khi xã không chú ý, công ty lại sử dụng những xe trọng tải lớn để vận chuyển" - ông Toản cho biết thêm.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thạch Xuân mới bắt đầu bóc bỏ lớp đất mặt của mỏ khoáng sản nhưng đã gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Người dân mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự tác động của hoạt động khai thác mỏ mà doanh nghiệp này đang tiến hành và có những hành động cụ thể để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp./.