Phục hồi sản xuất hậu giãn cách: Doanh nghiệp rục rịch tăng tuyển dụng

Nhu cầu tuyển dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khi việc giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng ở nhiều địa phương.
Các doanh nghiệp sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng vào những tháng cuối năm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Các doanh nghiệp sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng vào những tháng cuối năm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời qua đã tạo áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Để có thể nhanh chóng phục hồi ngay khi giãn cách xã hội kết thúc, các doanh nghiệp đang rục rịch tuyển dụng lao động.

Dự báo, nhu cầu tuyển dụng sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những tháng cuối năm.

Sản xuất phục hồi nhanh

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định với nhiều dấu hiệu khả quan về tốc độ tiêm chủng, tình hình kiểm soát dịch bệnh và kế hoạch nới lỏng giãn cách trên địa bàn thành phố, thị trường lao động Thủ đô sẽ có tốc độ hồi phục nhanh trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Theo ông, nhu cầu hàng hoá sẽ trở nên ngày càng cấp bách để chuẩn bị dịp lễ Noel, Tết và điều này sẽ khiến cho áp lực khôi phục sản xuất kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng cao trong những tháng tới.

“Ngành dịch vụ dự kiến sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao do nhu cầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới, đặc biệt là những doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông. Mức lương ngành này chủ yếu từ 5-7 triệu đồng/tháng, 7-10 triệu đồng/tháng và tập trung vào các vị trí thu ngân, bán hàng, vận chuyển…,” ông Thành cho hay.

Ngoài ngành dịch vụ thì theo kết quả thu thập thông tin việc làm của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng sẽ có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm ở ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghệ thông tin...

“Nhu cầu tuyển dụng lao động và tỷ lệ tham gia thị trường lao động sẽ có xu hướng tăng tỷ lệ thuận theo tình hình khôi phục của nền kinh tế. Nhiều người lao động có thể đi làm trở lại và tham gia vào chuỗi sản xuất thay vì bị ngừng việc hoặc phải làm việc tại nhà, làm việc từ xa,” ông Vũ Quang Thành nói.

[Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về triển vọng tăng nhu cầu tuyển dụng]

Cũng nằm trong xu hướng gia tăng tuyển dụng, dự kiến các doanh nghiệp tại Đồng Nai có nhu cầu tuyển dụng gần 16.000 lao động vào làm việc, trong đó lao động phổ thông chiếm hơn 90% ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, nhất là khi hết giãn cách xã hội.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, khi mọi hoạt động bình thường trở lại, các doanh nghiệp sẽ tăng tốc sản xuất kịp tiến độ giao hàng cho đối tác và ký kết đơn hàng mới. Do đó, nhu cầu tuyển lao động sẽ có chiều hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Triển vọng tuyển dụng mạnh mẽ nhất tại Đồng Nai thời giang tới tập trung ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo như may mặc, giày da, điện tử, sản phẩm gỗ và các lĩnh vực bán sỉ, bán lẻ; thương mại; xây dựng; dịch vụ tư vấn.

Việc gia tăng nhu cầu tuyển dụng để phục hồi sản xuất sẽ là xu hướng chung trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng trong thị trường lao động sẽ có những nhóm có tốc độ phục hồi nhanh hơn các nhóm khác.

Phục hồi sản xuất hậu giãn cách: Doanh nghiệp rục rịch tăng tuyển dụng ảnh 1Người lao động tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

“Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chủ yếu là công ty xuất khẩu và hiện giờ những ngành nghề tham gia xuất khẩu nhiều sẽ dễ phục hồi và phát triển hơn. Tiếp đến là những nhóm ngành nghề sử dụng lao động lao động kỹ thuật,” bà Hương nói.

Bà Hương cũng lưu ý sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi về mô hình tổ chức sản xuất cũng như mô hình tổ chức lao động nên sẽ ảnh hưởng phần nào đến nhu cầu tuyển dụng.

Nỗi lo nghịch lý cung cầu lao động

Đại diện Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định do dịch bệnh kéo dài gần hai năm và chưa có có dấu hiệu chấm dứt nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn nhiều dư địa tài chính để chống đỡ cũng như làm sức bật để phục hồi. Trong tình cảnh này, người lao động mất việc kéo dài nên việc di chuyển ồ ạt về quê thời gian qua sẽ tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động.

Theo Cục Việc làm, dự kiến số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60-70% sẽ tạo nên một nghịch lý lớn về cung-cầu lao động. Các thành phố lớn nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất sẽ có nguy cơ thiếu hụt lao động để phục hồi trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, trong khi những nơi cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu sẽ dư thừa nhân lực.

Trước nguy cơ nơi thừa, nơi thiếu lao động, Cục Việc làm đã yêu cầu các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các giao dịch về lao động, việc làm trực tuyến. Việc này không chỉ trong phạm vi tỉnh, thành phố mà có sự kết nối giữa các địa phương với nhau, đặc biệt là các địa phương có nhiều lao động quay trở về tránh dịch.

Ông Vũ Quang Thành cho biết kể từ năm 2019 Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội  đã bắt đầu tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh thành lân cận như: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Sơn La...

Bà Nguyễn Thị Lan Hương thì cho rằng cần thực hiện song song đẩy mạnh việc kết nối thị trường lao động, tăng cường vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm và thực hiện các chính sách đào tạo lại lao động trong thời gian tới.

“Hiện nay chúng ta đã làm tốt việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động mất việc trong mùa dịch, tuy nhiên về lâu dài cần giúp người lao động có việc làm bền vững. Để đạt được điều đó, cần sử dụng có hiệu quả hơn nữa nguồn ngân sách từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động, giúp người lao động tiếp cận được với những cơ hội việc làm tốt hơn,” bà Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động

Để nhanh chóng phục hồi thị trường lao động, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XIV Bùi Sỹ Lợi cho rằng mục tiêu cấp bách lúc này là đảm bảo khôi phục nhanh nguồn cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, hỗ trợ người lao động có việc làm an toàn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, người lao động hiện nay mang tâm lý nặng nề, lo sợ dịch bệnh, thêm vào đó việc di chuyển của người lao động cũng đang gặp khó khăn do việc thực hiện kiểm soát dịch, các quy định về phòng chống dịch của các địa phương.

“Các địa phương cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc. Bao gồm nỗ lực kết nối cung-cầu lao động, kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống,” ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Từ kinh nghiệm các quốc gia có thị trường lao động ổn định và phát triển, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh cần phải chú trọng vấn đề đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Cần sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp như một công cụ “giá đỡ” hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Trong thời gian tới, để thu hút lao động cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nhà ở và đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Chính phủ vần đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp nhằm ổn định đời sống, yên tâm cho người lao động, từ đó thu hút lao động đến làm việc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục