Phục hồi thị trường lao động trong đại dịch: 7 giải pháp cấp bách

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội tập trung vào 7 giải pháp chính về hỗ trợ trực tiếp, đào tạo, kết nối việc làm...
(Ảnh minh hoạ: Đức Duy/Vietnam+)
(Ảnh minh hoạ: Đức Duy/Vietnam+)

Trong năm 2021, thị trường lao động đã phải đối mặt với những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19. Điều này thể hiện rất rõ ràng khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng. Cá giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động đang trở nên ngày càng cấp bách và cần có lộ trình triển khai cụ thể.

Đây là nhận định được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” do Báo Nhân dân và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 17/11.

Mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết quý 3, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Quy định giãn cách xã hội kéo dài trong ba tháng đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý 3 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân nhận định đại dịch COVID-19 đã và đang khiến thị trường lao động nước ta phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức rất cao, cung-cầu lao động mất cân bằng ở hầu hết các địa bàn, ngành nghề đồng thời thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm mạnh so với trước đại dịch.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Thị trường lao động đã bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh. Mỗi nơi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên việc đi lại giao lưu giữa các vùng cũng khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

Phục hồi thị trường lao động trong đại dịch: 7 giải pháp cấp bách ảnh 1Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhìn lại các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội như Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

“Những chính sách hỗ trợ được ban hành trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. Các đối tượng hỗ trợ bao gồm cả người dân, người lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động, những đối tượng yếu thế, phụ nữ mang thai, trẻ em mồ côi cha, mẹ vì đại dịch... và lao động, doanh nghiệp trong những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch như vận tải, hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch…” ông Lê Quốc Minh nói.

7 giải pháp phục hồi thị trường lao động

Tại địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 là Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/10 khi bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại nhưng rất thận trọng khi tăng quy mô lao động để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đến thời điểm hiện nay, quy mô lao động để hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp từ 80%-90% tổng số lao động.

“Từ nay đến cuối năm, nếu doanh nghiệp nâng công suất hoạt động bình thường trở lại dự kiến sẽ thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng bổ sung cho số lao động ở các tỉnh xa chưa quay lại thành phố,” ông Lê Minh Tấn nói.

Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ. Hiện nay, nhiều địa phương thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh nhưng một số nơi khác lại đang gia tăng áp lực về giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động trở về địa phương tránh dịch bệnh.

Theo ông Lê Minh Tấn, cần có những chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn đầu quay lại làm việc như hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát COVID-19…, song song với đó là đẩy mạnh liên kết vùng trong điều tiết cung cầu lao động phục vụ hồi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Phục hồi thị trường lao động trong đại dịch: 7 giải pháp cấp bách ảnh 2Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ về 7 giải pháp phục hồi thị trường lao động trong đại dịch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội trong một bộ phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, những cơ chế, chính sách đề xuất tập trung vào 7 giải pháp chính: Hỗ trợ trực tiếp người lao động (các chi phí để mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiền nước, nhà trọ, xét nghiệm COVID-19…); hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động; phát triển bền vững thị trường lao động; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

[Tập trung đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động]

"Nguồn kinh phí thực hiện chương trình khá lớn, hiện nay Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu để bố trí kinh phí để thực hiện đồng bộ cả 7 giải pháp này,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay.

Các chuyên gia nhận định việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, ổn định thị trường lao động trong đại dịch COVID-19 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân của Đảng và Chính phủ, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống ổn định cho người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục