PTT Vũ Đức Đam: Rút kinh nghiệm về công tác xét nghiệm ở địa phương

Văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng nêu rõ trong trường hợp dịch bệnh lây lan, phải tổ chức nhiều mũi lấy mẫu, nhiều đơn vị tham gia lấy mẫu, xét nghiệm.
PTT Vũ Đức Đam: Rút kinh nghiệm về công tác xét nghiệm ở địa phương ảnh 1Cán bộ ngành Y tế Quảng Bình lấy mẫu bệnh xét nghiệm các trường hợp F1. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4340/VPCP-KGVX thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc đánh giá, rút kinh nghiệm sơ bộ về công tác xét nghiệm của một số địa phương từ khi có đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện tới nay.

Văn bản nêu rõ các địa phương cần tăng cường công tác chủ động phòng, chống dịch, quán triệt phương châm “4 tại chỗ,” đặc biệt là năng lực, công tác tổ chức xét nghiệm; thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng (lấy mẫu gộp cho từng nhóm với tần suất, quy mô phù hợp), đặc biệt ở các cơ sở y tế, chợ, bến xe và các địa điểm, cơ sở đông người; bám sát tình hình, có giải pháp truy vết, cách ly, khoanh vùng nhanh, hiệu quả ngay từ đầu.

Lực lượng chức năng đặc biệt chú ý chỉ đạo công tác xét nghiệm trong trường hợp dịch bệnh lây lan, phải tổ chức nhiều mũi lấy mẫu, nhiều đơn vị tham gia lấy mẫu, xét nghiệm; tuyệt đối tránh tình trạng lấy nhiều mẫu nhưng không đồng bộ với các khâu khác; bất cập trong ghi tên, ghi mã số mẫu và khớp tên sau khi xét nghiệm… dẫn tới mẫu được xét nghiệm chậm, xét nghiệm nhưng trả kết quả xét nghiệm chậm, thậm chí trả sai kết quả hoặc không trả được kết quả xét nghiệm (thực tế có nơi phải hủy mẫu do lấy quá lâu không xét nghiệm được).

Kết quả xét nghiệm phải được thông tin đầy đủ ngay cho các địa phương liên quan để tổ chức truy vết.

Bộ Y tế rà soát lại các quy định, hướng dẫn, có sửa đổi, bổ sung, tập huấn (nếu cần thiết) để nâng cao hiệu quả xét nghiệm; khẩn trương đưa các giải pháp xét nghiệm mới để giảm thời gian, chi phí xét nghiệm.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện phần mềm và công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ công tác xét nghiệm, truy vết… đã được Ban chỉ đạo Quốc gia giao, sớm đưa vào sử dụng để hỗ trợ các địa phương đảm bảo đồng bộ, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục