“Được Chính phủ giao, Quân đội quyết tâm bằng mọi cách, bằng mọi biện pháp, sử dụng mọi lực lượng, với khả năng của mình và vượt cả khả năng của mình, quyết tâm cùng với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các địa bàn có dịch khắc phục dịch triệt để và đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.”
Đây là khẳng định của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi có mặt ở Sân bay Nội Bài (Hà Nội) tiễn và động viên lực lượng quân y tăng cường vào miền Nam chống dịch ngày 23/8.
Lực lượng này là Đoàn công tác của Học viện Quân y gồm 1.096 cán bộ, học viên, được chia thành 341 tổ quân y cơ động; trong đó có 264 bác sĩ, 73 cán bộ điều dưỡng, 759 học viên đại học.
Trong ngày 23/8, các thành viên của Đoàn công tác chia thành 5 đợt di chuyển ra Sân bay Nội Bài để vào Nam thực hiện nhiệm vụ.
[Học viện Quân y xuất quân hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh Nam bộ chống dịch]
Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, Quân đội tham gia vào công tác chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam từ việc thành lập các bệnh viện dã chiến; tăng cường các lực lượng để bảo đảm cho người dân không ra đường; cung cấp, vận chuyển vật tư y tế, tiêm vaccine phòng COVID-19, lo hậu sự...
“Quân đội sẽ sử dụng lực lượng hiện có, cả không quân, cả vận tải bộ, vận tải thủy để hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, bảo đảm cho người dân an toàn, để chúng ta phòng và chống được đợt dịch này,” Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Sáng 23/8, tại Hà Nội, Học viện Quân y tiếp tục tổ chức Lễ xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Trước đó, ngày 21/8, Học viện Quân y đã điều động 295 cán bộ, học viên, chia thành trên 100 tổ quân y lên đường hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lần này Học viện Quân y tiếp tục xuất quân tăng cường lực lượng cho phía Nam với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt."
Đến nay, tổng quân số Học viện đã tăng cường chống dịch tại phía Nam là 1.391 đồng chí, trong đó có 1 phó giáo sư, tiến sỹ; 4 tiến sỹ, 25 bác sỹ chuyên khoa cấp 2, 79 bác sỹ chuyên khoa cấp 1; 38 thạc sỹ, 25 bác sỹ, 68 bác sỹ nội trú và 140 học viên sau đại học của các chuyên ngành; 72 điều dưỡng, 939 học viên quân y từ năm thứ ba đến thứ sáu.
Toàn bộ lực lượng của Học viện Quân y sẽ triển khai thành khoảng 450 tổ quân y cơ động, phối hợp hoạt động với các trạm y tế xã, phường để thực hiện các biện pháp hỗ trợ y tế theo nhiệm vụ được phân công, thực hiện cùng ăn, cùng ở với nhân dân.
Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sỹ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ trong cả nước đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất không để dịch bệnh lây lan trong cơ quan, đơn vị; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại nhiều nơi có ổ dịch lớn.
Toàn quân đã triển khai hơn 1.900 tổ, chốt chống dịch với trên 13.000 lượt người, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của trên 22.000 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly phục vụ hơn 270.000 người; tổ chức 10 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, chuyển đổi công năng 1 bệnh viện đa khoa quân dân y thành bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, thành lập 1 trung tâm điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nặng với hàng ngàn bác sỹ, nhân viên quân y.
Quân đội đã đóng góp 510 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19; điều động hàng ngàn xe ôtô vận chuyển vaccine đến các địa phương; khử khuẩn hàng ngàn khu vực, điểm có dịch.
Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, có các mô hình hay, thể hiện sâu sắc tình cảm tốt đẹp quân - dân "cá-nước" như hiến máu tình nguyện, tổ chức các gian hàng 0 đồng, phối hợp giúp địa phương thu hoạch nông sản cho nông dân vùng có dịch./.