Sự phát triển của kinh tế chia sẻ là tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin hiện đại đồng thời có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế. Vì vậy, cần ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh doanh này trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới.
Nội dung trên được tiến sỹ Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại hội thảo “Mô hình kinh tế chia sẻ: Hiện trạng và đề xuất kiến nghị,” ngày 10/11.
Thay đổi tư duy trong quản lý
Từ báo cáo sau 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (do CIEM thực hiện), ông Khôi chỉ ra kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn phát triển (trước và sau COVID-19). Theo đó, một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện trên thị trường như dịch vụ vận tải trực tuyến từ năm 2014 (Uber, Grab, dichung...), dịch vụ chia sẻ phòng (cơ sở Airbnb), dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng. Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng bắt đầu xuất hiện, từ du lịch (Triip.me), dịch vụ sửa chữa điện tử-điện lạnh-xây dựng…(Rada), hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).
[Kinh tế chia sẻ tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ]
Về quan điểm quản lý Nhà nước, ông Khôi cho rằng kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới nhưng không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng rẽ trong nền kinh tế. Vì vậy, không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh này. Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý Nhà nước cho phù hợp với xu thế kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Khôi, quản lý Nhà nước cần tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh và các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số và hỗ trợ Chuyển đổi Số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Kiểm soát những biến tướng tiêu cực
Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải thuộc Hiệp hội taxi Hà Nội đã đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động để quản lý và kết nối. Qua đó, doanh nghiệp đã nâng cao hiệu quả quản lý, đem đến sự thuận tiện cho hành khách, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, các doanh nghiệp kết nối với nhau giúp mở rộng thị trường cũng như chia sẻ thông tin để giảm thiểu chi phí.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng chỉ ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân đối với kinh doanh vận tải theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam thời gian qua.
Cụ thể, việc áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ chưa đúng đối tượng dẫn đến sự phát triển ồ ạt của các phương tiện vận tải, trong khi hành lang pháp lý và công cụ quản lý chưa chuẩn bị đầy đủ. Điều này dẫn đến phá vỡ quy hoạch vận tải của các địa phương, gây ra thất thu thuế cũng như tạo ra tình trạng bất bình đẳng giữa các chủ thể tham gia kinh doanh vận tải, từ đó làm cho hoạt động này nảy sinh nhiều biến tướng theo hướng tiêu cực.
Hơn nữa, xu thế phát triển khoa học công nghệ 4.0 ngày càng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp và nảy sinh nhu cầu chia sẻ nguồn lực để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Do đó, ông Hùng đại diện Hiệp hội kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần xác định rõ hơn các đối tượng đang kinh doanh và bản chất hoạt động. Đây là cơ sở để định nghĩa rõ ràng về loại hình này, để tránh tình trạng như các năm vừa qua tồn tại 2 loại hình là taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ mặc dù bản chất hoạt động là taxi 100%.
Ông Hùng cũng cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ các mô hình vận tải lợi dụng kinh tế chia sẻ để hoạch động trái phép (như xe ghép, đi chung, tiện chuyến…) đang hoạt động gây ra sự lộn xộn, bất bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách cũng như người lao động là lái xe.
“Kinh tế chia sẻ trong hoạt động vận tải chỉ phù hợp trong phạm vi các doanh nghiệp vận tải hoặc các cá nhân có giấy phép kinh doanh vận tải hợp tác để khai thác tài nguyên, nguồn lực của nhau, nhằm cung ứng dịch vụ với chất lượng tốt nhất và giá thành thấp nhất. Vì vậy, các chính sách ban hành cần hướng đến tạo điều kiện cho các doanh vận tải để thúc đẩy sự phát triển của ngành,” ông Hùng nhấn mạnh.
Với mục tiêu phát triển kinh tế chia sẻ bền vững tại Việt Nam, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam chỉ ra một số vấn đề, như cộng đồng người tiêu dùng trong kinh tế chia sẻ tăng nhanh nhưng thiếu định hướng lành mạnh trên nền tảng số. Thêm vào đó, sự cạnh tranh gia tăng khi phát triển kinh tế chia sẻ, điều này đang dẫn đến nhiều vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Do vậy, ông Hùng đề xuất một số giải pháp, cụ thể là kinh doanh thương mại điện tử cần có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Mặt khác, các cấp quản lý cần ưu tiên đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp và người dân cũng như phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số theo định hướng lành mạnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa về chuyển đổi số các địa phương, nhằm thu hẹp khoảng các giãn cách số giữa các khu vực đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.