Với đề án này, cơ quan quản lý có tham vọng sẽ khắc phục được những bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ vận tải hiện nay.
Vận tải “bung” ra như khoán ruộng đất
Theo ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải và Pháp chế (Tổng cục Đường bộ), thời gian vừa qua, ngành vận tải nước ta phát triển “nóng” dẫn đến sự gia tăng phương tiện, chủ xe, doanh nghiệp. Chính điều đó đã làm nảy sinh nhiều bất cập trong quản lý phương tiện, lái phụ xe, công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Thống kê của Tổng cục Đường bộ cho thấy, từ năm 2000, số hộ kinh doanh vận tải có bước phát triển nhanh chóng, đến nay đã chiếm 50% tổng số phương tiện. Theo khảo sát, có tới 60% các đơn vị vận tải khách tuyến cố định và gần 83% đơn vị vận tải khách theo hợp đồng chỉ có dưới 10 đầu xe/mỗi đơn vị.
“Đa số các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên việc quản lý các điều kiện về an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức,” ông Bình thừa nhận.
Cũng theo ông Bình, hiện nay nhiều nhà xe tham gia vào lĩnh vực này đã làm nảy sinh nhiều mặt tiêu cực làm cho chất lượng không đồng đều, an toàn vận tải không kiểm soát mà các biểu hiện cụ thể là hiện tượng xe “dù”, bến “cóc”, “cơm tù”, chạy vòng vo bắt khách, chở quá tải…gây mất trật tự an toàn giao thông.
[Siết nạn "xe dù”: Giải bài toán về quy hoạch bến xe]
“Phần lớn, các đơn vị vận tải nhỏ lẻ không thực hiện quản lý mà chỉ 'núp bóng' doanh nghiệp, hợp tác xã dưới dạng đứng ra làm các thủ tục theo quy định đối với cơ quan quản lý thu phí dịch vụ như: thuê xe, mua thương hiệu đồng thời giao việc điều hành cho chủ hoặc lái xe đảm nhận. Mô hình này đang được áp dụng đa số ở các hợp tác xã vận tải,” ông Bình khẳng định.
Cũng theo một tài liệu khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong vận tải hàng hóa, tỷ lệ xe chạy rỗng trong lĩnh vực này lên tới 30-50% nên chi phí và tiêu hao nhiên liệu cao, đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe chở quá tải đồng thời làm gia tăng lưu lượng phương tiện tham gia giao thông.
Đánh giá về tình trạng "nhà nhà làm vận tải", ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ ví von, vận tải Việt Nam hiện đang “bung” ra như ngành nông nghiệp thời kỳ khoán ruộng đất. "Mảnh ruộng được chia nhiều thửa, phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng mạnh ai nấy làm nhưng lại thiếu sự quản lý, giám sát đã và đang để lại những hậu quả xấu cho xã hội, ông Quyền nói một cách đầy hình ảnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận công tác quản lý Nhà nước, bộ máy, nhân sự quản lý lại yếu kém cả về số lượng và chuyên môn nghiệp vụ, chưa theo kịp được sự phát triển.
Ông Bình tiết lộ, qua điều tra cho thấy, có đến 16 Sở Giao thông Vận tải không có cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản làm trong lĩnh vực quản lý vận tải. Những đối tượng này đều làm trái ngành, trái nghề. "Đây là một thực trạng dẫn đến sự yếu kém trong quản lý hiện nay," lãnh đạo ngành đường bộ này cho hay.
Sẽ gắn "sao" nâng chất lượng vận tải
Trước thực tế trên, ông Quyền cho biết, đổi mới quản lý vận tải đường bộ là một nội dung mang tính tổng thể và dài hơi, song ngay trong năm 2013 và 2014, cơ quan này sẽ xác định những nội dung yếu kém, bức xúc nhất để tập trung giải quyết thật hiệu quả. Theo đó, việc quản lý trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp, trách nhiệm lái xe; quản lý taxi, bến xe, trạm dừng nghỉ... thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại lực lượng vận tải, hướng tới cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, hội nhập quốc tế sẽ là những vấn đề được tập trung xử lý.
Đối với quản lý vận tải hành khách, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ đối với từng loại hình kinh doanh, gồm: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách.
Dựa trên các tiêu chí này, Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành phân loại hạng chất lượng dịch vụ vận tải. Vận tải hành khách tuyến cố định, du lịch và xe hợp đồng được phân thành 5 hạng từ 1 “sao” đến 5 “sao” với thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe buýt được phân thành 2 hạng gồm hạng 2 “sao” và 3 “sao”, thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe taxi được phân thành 3 hạng gồm hạng 3, 4, 5 “sao”, thang điểm đánh giá là 90 điểm.
“Chúng ta không nên thực hiện cào bằng sự kiểm tra, giám sát giữa các đơn vị vận tải bởi làm như thế sẽ không thể quản lý được ai. Những doanh nghiệp xếp loại tốt (4-5 sao) nên khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nhân rộng đồng thời quản lý chặt đối với các đơn vị làm chưa tốt (1-2 sao),” ông Quyền bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, Đề án cũng thực hiện hiện đại hóa quản lý vận tải bằng các phần mềm và thống nhất các phần mềm quản lý trong toàn ngành, trước hết là tập trung khai thác hộp cơ sở dữ liệu giám sát hành trình xe.
Cụ thể, ngay trong năm nay, Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý vận tải hành khách, bến xe, phần mền quản lý khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, nghiên cứu thí điểm áp dụng quản lý an toàn giao thông tại đơn vị hàng hóa.
“Hệ thống cơ sở dữ liệu chung để cập nhật, đánh giá chất lượng dịch vụ được cung cấp, mức độ an toàn của dịch vụ, từ đó các đơn vị vận tải, hành khách sẽ có đủ thông tin lựa chọn, đánh giá doanh nghiệp và dịch vụ,” ông Quyền nhìn nhận.
Đề cập đến kinh phí xây dựng Đề án, ông Quyền khẳng định, thời gian thực hiện đề án mà Tổng cục Đường bộ đưa ra từ 2013-2015 với tổng kinh phí thực hiện ước tính trên dưới 20 tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn.
“Nguồn kinh phí này Tổng cục mới chỉ đề xuất mà chưa ‘chốt’ chính thức mức kinh phí cụ thể vào Đề án vì phải xác định tổng mức đầu tư vào các dự án thành phần,” ông Quyền cho biết.
Ngoài ra, ông Quyền cũng thẳng thắn đánh giá, Đề án đổi mới quản lý vận tải có tính khả thi cao dựa trên sự nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quản lý vận tải một số nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha.
“Đề án đã đưa ra được tổng thể các giải pháp quản lý, đổi mới vận tải đường bộ, xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với Việt Nam mà không có sự sao chép bất cứ từ nước nào khác,” ông Quyền bộc bạch./.
Số liệu báo cáo của Tổng cục Đường bộ nhìn nhận, trong hơn 10 năm qua, số lượng phương tiện kinh doanh đã tăng hơn 10 lần. Cả nước hiện có tới gần 103.000 xe khách và 620.000 xe tải các loại, với 2.681 doanh nghiệp, 586 Hợp tác xã và hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể. Tổng cục Đường bộ đang quản lý 427 tuyến vận tải hành khách có cự ly trên 1.000km trong đó có 404 tuyến công bố chính thức và 23 tuyến đang khai thác thử với 1.022 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động vận tải khách. Trên địa bàn cả nước đã có 544 bến xe khách và 20 trạm dừng nghỉ. Tính bình quân, mỗi thành phố có khoảng 9 bến xe khách đang hoạt động. |