Tỉnh Quảng Ninh chủ động yêu cầu lãnh đạo các địa phương, nơi có dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái chạy qua, ký cam kết hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2018 nhưng đến nay, mặt bằng mới hoàn thành giải phóng đạt 97%.
Nguyên nhân bởi khó khăn trong xác định nguồn gốc đất, một số hộ dân chưa đồng thuận cao, chủ yếu ở thành phố Móng Cái.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái ông Vũ Văn Kinh cho biết các vị trí mặt bằng bàn giao đã đảm bảo điều kiện để khởi công dự án. Thành phố sẽ cố gắng bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trong tháng 2/2019.
Hiện thành phố vận động, tuyên truyền đến nhân dân đồng thuận, đồng thời khẩn trương hoàn thành hồ sơ tổ chức cưỡng chế đối với 18 hộ còn lại.
[Dành 11.195 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái]
Quảng Ninh đặt mục tiêu có thể khởi công dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái ngay trong quý 1/2019 để sớm hoàn thiện hệ thống cao tốc kết nối từ Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái (Quảng Ninh), thành tuyến cao tốc dài nhất hiện nay ở Việt Nam; hình thành cửa ngõ giao thông kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc để thực hiện chiến lược tăng cường hoạt động thương mại biên giới, từng bước đưa Quảng Ninh cửa ngõ giao thương trong nước và quốc tế.
Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, tuyến nối tiếp với cao tốc Hải Phòng-Hạ Long và Hạ Long-Vân Đồn được thực hiện theo hình thức đối tác công-tư (PPP), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), do Công ty trách hiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn làm chủ đầu tư (liên danh nhà đầu tư gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân, Công ty cổ phần Mặt Trời Vân Đồn, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành).
Dự án có bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h theo TCVN 5729-2012, chiều dài 80,2km đi qua các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh, tổng diện tích sử dụng đất là 456,2ha.
Dự án có mức đầu tư hơn 11.195 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của nhà đầu tư gần 1.262 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động hơn 9.857 tỷ đồng. Điểm đặc biệt của dự án này là Nhà nước không tham gia góp vốn đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Quảng Ninh chủ động tách việc giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, sử dụng ngân sách địa phương; trong đó, giao Ủy ban Nhân dân các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và thành phố Móng Cái làm chủ đầu tư đối với giải phóng mặt bằng theo phạm vi sử dụng của dự án.
Chủ đầu tư được yêu cầu khẩn trương hoàn thành thủ tục pháp lý, vốn, nghĩa vụ hợp đồng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu, rà soát điểm để lập quy hoạch mỏ đất, bãi đổ thải...
Mới đây, Quảng Ninh đã thành lập hai tổ công tác, tham gia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án để hoàn thiện việc chuẩn bị đầu tư và có thể tiến hành khởi công dự án theo kế hoạch quý 1/2019. Theo đó, tổ đàm phán vốn vay do trực tiếp ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh điều hành.
Tổ công tác sẽ tham gia hỗ trợ chủ đầu tư triển khai thủ tục pháp lý trong phạm vi, thẩm quyền quy định, tạo điều kiện để chủ đầu tư đàm phán, giải trình với các đơn vị tín dụng được thuận lợi. Ủy ban Nhân dân tỉnh phân công Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Tường Huy phụ trách việc rà soát, cân đối đất đào đắp, ưu tiên vị trí thuận lợi, có cự ly vận chuyển ngắn, giảm chi phí để tăng hiệu quả đầu tư vào dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.
Trước đó, tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng được hoàn thành vừa đưa vào sử dụng từ tháng 9/2018, tuyến cao tốc Hạ Long-Vân Đồn được đưa vào khai thác từ cuối tháng 12/2018./.