Quảng Ninh tăng tốc triển khai chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19

Quảng Ninh là một trong những tỉnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm với quy mô rộng, là một trong những địa phương thuộc top đầu cả nước về tỷ lệ tiêm chủng.
Quảng Ninh tăng tốc triển khai chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 ảnh 1 Quảng Ninh là một trong 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao trong cả nước. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó việc tiêm chủng vaccine được tỉnh xác định là một trong những mũi nhọn chiến lược.

Top đầu cả nước về tỷ lệ tiêm chủng

Theo thông tin từ ngành y tế, Quảng Ninh là một trong những tỉnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm với quy mô rộng.

Với sự tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng cao của nhân dân, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 diện rộng của Quảng Ninh đã đạt kết quả rất tích cực, là một trong những địa phương thuộc top đầu cả nước về tỷ lệ tiêm chủng.

[Quảng Ninh: Phòng, chống dịch COVID-19 từ sớm, từ xa, từ cơ sở]

Đến nay, Quảng Ninh là một trong 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao trong cả nước, số mũi tiêm/số vaccine được phân bổ chiếm tỷ lệ 99,99%. Tính đến giưa tháng 11, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine đạt 87,7% và nằm trong nhóm 15/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%.

Đại diện Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh cùng với việc sớm hoàn thành tiêm chủng cho đối tượng từ 12 tới dưới 18 tuổi trong và ngoài trường học, từng địa phương phải rà soát, hoàn thành tiêm vét cho các đối tượng trên 18 tuổi chưa tham gia tiêm chủng, chậm nhất trước ngày 20/11.

Trong công tác tiêm phòng vaccine cho trẻ em, từ ngày 1/11, tỉnh Quảng Ninh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trên 118.400 trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi trong và ngoài trường học. Trẻ em sẽ được tiêm tại trường trung học cơ sở. Trẻ có bệnh lý nền sẽ được tiêm tại các cơ sở y tế của địa phương. Vaccine phòng COVID-19 trong đợt tiêm chủng cho trẻ em là Pfizer-BioNTech.

Đây là những điều kiện tiên quyết để Quảng Ninh cùng với cả nước sớm đưa cuộc sống trở lại ổn định trong trạng thái bình mới.

Thần tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân

Để công tác tiêm chủng được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh và các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch chi tiết, linh hoạt trong tổ chức thực hiện đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để bố trí cơ sở vật chất đảm bảo giãn cách cũng như tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đến tiêm.

Quảng Ninh tăng tốc triển khai chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 ảnh 2Từ ngày 1/11, tỉnh Quảng Ninh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh Quảng Ninh cùng cả nước đang thực hiện Nghị quyết 128-NQ/CP của Chính phủ, chuyển trạng thái từ “Zero COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, việc Quảng Ninh sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho công dân đủ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm là chìa khóa quan trọng, giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống lại đại dịch COVID-19, là “vũ khí “tiên quyết để có thể đưa cuộc sống trở lại mức bình thường mới.

Trong Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu rõ: Thực hiện chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và ổn định tình hình kinh tế-xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh, việc phòng dịch là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài; cách ly, xét nghiệm, vắc xin, điều trị là điều kiện tiên quyết và ý thức người dân, người lao động trong tuân thủ nguyên tắc 5K là đặc biệt quan trọng; ứng dụng công nghệ thông tin là cấp thiết.

Trong công tác tiêm chủng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu dữ liệu xét nghiệm dùng chung toàn tỉnh, kết nối liên thông, đồng bộ với nền tảng công nghệ, nhất là PC-COVID được nhanh chóng hoàn thiện để tất cả kết quả xét nghiệm đều được cập nhật kịp thời, chính xác. Qua đó, các cơ quan chức năng có được đánh giá kịp thời diễn biến tình hình dịch tễ trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống, kiểm soát dịch.

Các cơ sở y tế cũng cần chú trọng việc quản lý thông tin người vào/ra cơ quan, công sở, địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, giáo dục, y tế, sự kiện đông người bằng mã QR và xét nghiệm sàng lọc khi tham gia các sự kiện. Các đơn vị tiêm chủng tập trung triển khai kế hoạch kết nối, đồng bộ dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm với dữ liệu dân cư đến cấp xã để sớm đưa vào khai thác, quản lý, sử dụng.

Hiện nay, vaccine vẫn được xác định là một trong những biện pháp mang tính quyết định để sống chung an toàn với COVID-19. Bài học kinh nghiệm tại các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã cho thấy, khi miễn dịch cộng đồng còn yếu, COVID-19 cộng với bệnh nền đã khiến tình trạng các ca diễn biến nặng không thể kiểm soát và gây quá tải hệ thống y tế.

Từ bài học này, Quảng Ninh xác định phải thần tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân, nhất là đối tượng người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ có thai…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục