Quảng Ninh: Xử lý nghiêm vi phạm trong môi giới bất động sản

UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng hoạt động đầu cơ có tổ chức và kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng đã “thổi giá,” gây “sốt,” tạo “sóng ảo” về nhu cầu nhằm đẩy giá đất lên cao.
Quảng Ninh: Xử lý nghiêm vi phạm trong môi giới bất động sản ảnh 1(Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Tình trạng giá đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gia tăng phi mã theo từng tháng, từng tuần, thậm chí từng ngày, gây ra những bất ổn về an ninh trật tự.

Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng mua bán và nâng giá đất trên địa bàn.

Người người đi buôn đất

Thực tế phổ biến hiện nay là không ít người dân Quảng Ninh đang đổ xô đi buôn bán đất đai.

Trong số đó, có cả cán bộ, công chức, viên chức, người giàu, người nghèo, thậm chí người kinh doanh du lịch ế ẩm trong dịch COVID-19.

Người có tiền thì mua đất chờ “sóng” lên cao để bán ra kiếm lời, người không có tiền thì làm “cò,” môi giới.

Những người ít tiền lập nhóm cùng góp vốn mua đất rồi chia nhau tìm người để bán lại lấy lãi vài ba giá.

Chu trình mua đi, bán lại liền tay ấy cứ lặp đi lặp lại khiến giá đất trên địa bàn được đẩy cao từng ngày.

[Bộ Tài nguyên và Môi trường chấn chỉnh tình trạng "sốt ảo" về giá đất]

Chị P, kế toán một đơn vị sự nghiệp dành khoản tiền vài ba tỷ đồng mua những thửa đất trên dưới 100m2 với hy vọng "lướt sóng" nhanh thu lời mỗi lô đất từ 2-3 giá. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay chị cũng kiếm được khoảng nửa tỷ đồng.

Chị P nói cách kiếm tiền này cao hơn lãi suất ngân hàng gấp nhiều lần.

Ngoài khu vực Quảng Yên đang "sốt đất" từng ngày, riêng trong tháng 3, khu vực Cao Xanh, Hà Khánh, Hoành Bồ của thành phố Hạ Long cũng có liên tiếp 2 “đợt sóng” tăng giá đất nên giới “cò” bất động sản cũng thu lời đáng kể.

D. một nam thanh niên chuyên làm dịch vụ ăn uống, giờ cũng tham gia vào nhóm môi giới bất động sản. Do không có tiền đầu tư, D chỉ làm trung gian, môi giới, mỗi phi vụ cũng kiếm được từ 10-20 triệu đồng.

H. một phụ nữ trong ngành môi giới bất động sản lại có cách làm liều lĩnh hơn là kinh doanh trên tiền cọc.

Do không đủ tiền mua lô đất, nhưng H sẵn sàng bỏ khoản tiền hơn 100 triệu đồng đặt cọc mua một lô đất, trong vòng 13-15 ngày H phải tìm được người mua lại lô đất này với giá cao hơn từ 2-3 giá để bán sang tay lấy lãi. Mỗi vụ thành công, H cũng kiếm được cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, có vụ H mất trắng tiền cọc do không tìm được người mua trong thời hạn cọc tiền.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhận định trong thời gian gần đây, trên địa bàn các địa phương Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều có tình trạng tăng giá đất đột biến ở một số khu vực. Đặc biệt ở thành phố Hạ Long với các khu đô thị Cao Xanh-Hà Khánh A, B, C; đô thị Hà Khánh giai đoạn I, II của Tập đoàn FLC; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm thương mại xã Thống Nhất; dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu dân cư thôn Chợ tại xã Thống Nhất…

Có một số dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, thậm chí có dự án chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao đất như dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật trung tâm thương mại và dân cư xã Thống Nhất của Công ty Phúc An, nhưng tình trạng mua bán đất đã diễn ra sôi động trên trang thông tin điện tử.

Nguyên nhân của hiện tượng trên là do các đối tượng môi giới, bất động sản mua đi, bán lại nhiều ô đất của các dự án trên để “làm thị trường."

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho rằng đây là hoạt động đầu cơ có tổ chức và kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm mục đích “thổi giá,” gây “sốt,” tạo “sóng ảo” về nhu cầu nhằm đẩy giá lên cao.

Thực chất các hoạt động mua đi, bán lại trong chính các nhóm môi giới đang thao túng, gây rối thị trường, tạo các giao dịch “mồi” để dụ dỗ khách hàng nhẹ dạ cả tin mua đất.

Tình trạng này kéo theo nhiều hệ lụy như: gây khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án để phát triển kinh tế-xã hội tại các vùng lân cận của địa phương; mất an ninh trật tự, tín dụng đen…

Xử lý nghiêm “cò” đất vi phạm

Để ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất trên địa bàn các địa phương trong tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương tập trung quán triệt phổ biến, công khai bằng các hình thức phù hợp cho người dân về tình trạng pháp lý của các dự án đang triển khai.

Quảng Ninh: Xử lý nghiêm vi phạm trong môi giới bất động sản ảnh 2(Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Thông báo cho nhân dân biết các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, cảnh báo người dân cảnh giác trước các "cơn sốt" đất ảo, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và trước pháp luật khi để phát sinh tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao, cho thuê đất đấu thầu đất trái quy định, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã, phường tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm, nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép, mua, bán chuyển nhượng đất đai không đúng quy định, đặc biệt chuyển nhượng đất trái phép cho người nước ngoài trên địa bàn.

Đồng thời, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chuyển nhượng mua bán, tách thửa đất đối với thửa đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa đất không theo quy hoạch, đất trong các khu đô thị chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý theo quy định…

Các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, công an tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi các thông tin, diễn biến của thị trường bất động sản để chủ động có giải pháp hoặc đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.