Việc Trung Quốc siết chặt các quy định hạn chế người dân đổi tiền và cấm mua bất động sản ở nước ngoài có thể góp phần hạ nhiệt thị trường địa ốc Canada.
Theo một bài viết trên tờ Globe and Mail, từ đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ các quy định trên, nhằm đảm bảo mỗi người dân nước này chỉ được đổi tối đa 50.000 USD/năm và không được mua nhà ở nước ngoài.
Những giới hạn này sẽ khiến nhiều người Trung Quốc không thể chuyển tiền sang Canada, hoặc chi tiền mua nhà ở Canada như các năm trước.
Trước đó, các nhà đầu tư Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bong bóng bất động sản ở các vùng thủ phủ Toronto và Vancouver của Canada, đẩy giá nhà đất tăng mạnh, khiến nhiều cư dân địa phương không đủ khả năng mua, thậm chí thuê nhà ở.
Cuối năm ngoái, chính quyền liên bang Canada và chính quyền tỉnh British Columbia đã buộc phải áp dụng một số quy định mới, trong đó đáng chú ý nhất là việc áp thuế 15% đối với các giao dịch bất động sản với người nước ngoài.
Chỉ sau khoảng ba tháng áp dụng, hầu hết các quy định đều phát huy tác dụng. Tổng lượng nhà bán ra ở Vancouver, vốn là thị trường nhà đất nóng nhất cả nước, đã giảm mạnh trong những tháng cuối năm, qua đó kéo con số của cả năm đi xuống.
Một số nhà phân tích dự đoán sự kết hợp giữa các quy định nói trên của Canada, với việc siết chặt các quy định đổi tiền và mua nhà ở nước ngoài mới đây của Trung Quốc sẽ góp phần hạn chế số lượng nhà đầu tư Trung Quốc rót tiền vào thị trường bất động sản Canada.
Điều này một mặt sẽ làm giảm áp lực lên hai thị trường nóng nhất hiện nay của Canada là Vancouver và Toronto, mặt khác cho thấy rõ nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tăng cường kiểm soát dòng tiền và công dân của mình.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 45,6 tỷ USD vào thị trường nhà đất Mỹ. Tổng số tiền đầu tư trong giới tư nhân cũng rất cao.
Hiện chưa có số liệu đầu tư của Trung Quốc vào thị trường địa ốc Canada, nhưng một thực tế rõ ràng là cả số lượng nhà giao dịch và giá nhà ở Canada đều tăng phi mã trong hai năm liên tiếp, chủ yếu do nhu cầu tăng đột biến từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đang cần giữ luồng tiền trong nước do dự trữ ngoại hối giảm, và cần kích cầu tiêu dùng nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.