Quỹ Toàn cầu tài trợ Việt Nam máy xét nghiệm trước các tình huống y tế khẩn cấp

Máy tách chiết và Real Time PCR tự động Cobas 6800 có khả năng xử lý hơn 25 loại xét nghiệm kỹ thuật cao trong lĩnh vực: Huyết học như sàng lọc máu, vi sinh như phát hiện các tác nhân truyền nhiễm...

Máy tách chiết và Real Time PCR tự động Cobas 6800 có khả năng xử lý hơn 25 loại xét nghiệm kỹ thuật cao nhiều trong lĩnh vực. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Máy tách chiết và Real Time PCR tự động Cobas 6800 có khả năng xử lý hơn 25 loại xét nghiệm kỹ thuật cao nhiều trong lĩnh vực. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 22/12, Bộ Y tế phối hợp cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ Bàn giao Hệ thống máy máy tách chiết và Real Time PCR tự động Cobas 6800 của Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023” do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (QTC) tài trợ cho 2 đơn vị Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một bước quan trọng trong nỗ lực nâng cao khả năng chẩn đoán và phản ứng nhanh chóng trước các tình huống y tế khẩn cấp.

Phát biểu tại buổi Lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay máy tách chiết trên có khả năng xử lý hơn 25 loại xét nghiệm kỹ thuật cao trong các lĩnh vực: Huyết học như sàng lọc máu, vi sinh như phát hiện các tác nhân truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp, máu, tình dục, phát hiện kháng kháng sinh, yếu tố miễn dịch, hỗ trợ ghép tạng...

Đây là một hệ thống máy rất hiện đại hiện nay thuộc dòng Cobas với công suất cao (384 mẫu/8 giờ) giúp giảm thiểu các thao tác thủ công trong quá trình thử nghiệm, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho nhân viên y tế. Với khả năng chẩn đoán chính xác và nhanh chóng, máy đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định nhiều loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh khác nhau cùng các yếu tố miễn dịch... Điều này sẽ giúp chẩn đoán điều trị kịp thời, giám sát và ứng phó các trường hợp khẩn cấp về y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đối với lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS: hệ thống máy Cobas 6800 giúp xét nghiệm phát hiện HIV, đo tải lượng virus HIV đồng thời hỗ trợ xét nghiệm cho việc phát hiện, đo tải lượng virus viêm gan C, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, lao là các bệnh đồng nhiễm với HIV. Trên cơ sở đó giúp các chuyên gia y tế lựa chọn phương án điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Việc trang bị các máy móc hiện đaj này cho hệ thống Dự phòng (Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh); hệ thống khám chữa bệnh (Bệnh Viện Chợ Rẫy) bởi đây là 2 cơ sở y tế tuyến cuối, có nhiều bệnh nhân. Hệ thống cũng được kỳ vọng sẽ làm tăng năng lực xét nghiệm HIV/AIDS, nâng cao năng lực hệ thống giám sát phát hiện tác nhân truyền nhiễm và hỗ trợ cảnh báo dịch sớm và nhanh, góp phần vào các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

tiep-nhan-2943.jpg
Đại diện của các đơn vị trong buổi Lễ tiếp nhận máy. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét được thành lập năm 2002 để gây quỹ, quản lý và tài trợ cho các quốc gia nhằm đối phó với ba trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất Thế giới. Năm 2023, Quỹ Toàn cầu đạt dấu mốc kỷ niệm 20 năm hoạt động.

Trong thời gian qua, Quỹ đã tài trợ 60 tỷ USD cho công cuộc phòng chống 3 bệnh trên và đại dịch COVID-19 trên toàn Thế giới. Sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu đã cứu sống 50 triệu người và giảm được hơn một nửa tỷ lệ tử vong do ba căn bệnh này ở các quốc gia được tài trợ; nguồn lực này cũng đã đóng góp tích cực vào hoạt động phòng chống đại dịch COVID-19.

Việt Nam là một trong các quốc gia được hưởng lợi từ Quỹ Toàn cầu kể từ năm 2003. Sự đồng hành cùng người dân và Chính phủ Việt Nam của Quỹ Toàn cầu là một nguồn lực quý báu và bền vững trong mấy chục năm qua. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên nhiều tiêu chí.

Trong 20 năm qua, với sự đóng của Quỹ Toàn cầu, Chương trình Phòng chống HIV/AIDS đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, cứu được hơn 200.000 người không bị tử vong do AIDS.

Ngay trong giai đoạn 2021-2023 Quỹ đã hỗ trợ 61 triệu USD cho công tác phòng chống HIV/AIDS, trong đó bao gồm 12,6 triệu USD cho phòng, chống COVID-19 với mục tiêu “Nâng cao năng lực ứng phó COVID-19 và giảm thiểu ảnh hưởng của COVID-19 đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Trong 2 năm 2021-2022, Việt Nam đã sử dụng khoảng 7,5 triệu USD từ nguồn viện trợ của Quỹ Toàn cầu để mua sắm hàng hóa và trang thiết bị thiết yếu, góp phần vào công tác phòng chống dịch quốc gia.

Trong năm 2023, Bộ Y tế đã ký quyết định tiếp nhận 12 hệ thống máy do Quỹ Toàn cầu mua sắm và viện trợ cho 10 đơn vị, cơ sở y tế trên toàn quốc. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh là 2 trong số các đơn vị tiếp nhận hệ thống máy xét nghiệm Cobas 6800 tân tiến và hiện đại nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục