Dự án cảng sông Tri Phương vừa được ra mắt vào hôm nay (18/4) sẽ tập trung phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của năm tỉnh miền Bắc thông quan vận chuyển container bằng đường thủy, rút ngắn thời gian giao hàng, giảm tải giao thông đường bộ.
Dự án có quy mô 2,5ha, sức chứa khoảng 900TEUs, bốn sà lan trọng tải 120TEUs, công suất dự kiến hằng năm 200.000 TEUs. Ngoài ra, cảng sông Tri Phương còn có 100 xe đầu kéo trung chuyển hàng hoá từ cảng đi các nơi và ngược lại. Tại cảng cũng có tổ cán bộ hải quan trực tiếp xử lý các khâu thủ tục giấy tờ xuất nhập khẩu. Đây là dự án do Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Kỳ là chủ đầu tư.
[Phát triển vận tải đường thủy: Cần hiện thực hóa cơ chế chính sách]
Cảng Tri Phương tập trung phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu của năm tỉnh miền Bắc bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội thông qua vận chuyển container bằng đường thủy giữa các tỉnh trên và cảng Hải Phòng. Đây là các tỉnh tập trung nhiều nhà máy sản xuất lớn như Samsung, Foxconn, Toyota, Canon, Honda.
Theo thống kê năm 2016, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu từ năm tỉnh này chiếm khoảng 50% tổng sản lượng hóa qua cảng Hải Phòng.
Bên cạnh đó, cảng Tri Phương là dự án mở rộng, bổ trợ cho Trung tâm logistics ICD Tiên Sơn nhằm cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng bao gồm dịch vụ vận tải đa phương thức, kho bãi (ngoại quan, CFS, kho thường), dịch vụ khai báo hải quan.
Trước mắt, cảng Tri Phương có giá cước cạnh tranh, thấp hơn 20-25% so với cước vận chuyển bằng đường bộ. Cảng có tần suất phục vụ bốn sà lan với bốn chuyến cố định/ngày (hai chuyến Bắc Ninh-Hải Phòng và hai chuyến Hải Phòng- Bắc Ninh/ngày).
Cảng Tri Phương cho phép khách hàng nhập có thể nhận được hàng hóa trong ngày nhờ việc lưu container tại cảng Tri Phương thay vì phải đặt hàng trước ít nhất một ngày nếu lưu container tại cảng Hải Phòng.
Đồng thời, cảng cũng giúp rút ngắn thời gian giao hàng đối với khách hàng xuất khẩu vì quãng đường vận chuyển tới cảng Tri Phương gần hơn so với Hải Phòng. Cảng còn giúp giảm tắc đường, giảm tải lượng container vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ đi, về giữa các tỉnh phía Bắc và Hải Phòng, góp phần giảm tải ách tắc giao thông trên một số tuyến Quốc lộ trọng điểm như Quốc lộ 5, Quốc lộ 18.
Ông Nguyễn Trần Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Kỳ cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 170 tỷ đồng. Ngay trong những ngày đầu giới thiệu dự án, đã có ba nhóm khách hàng sẵn sàng sử dụng cảng.
“Các công ty này cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc khai thác vận tải với Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Kỳ sau khi cảng Tri Phương đi vào hoạt động, dự kiến là vào cuối tháng bảy,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định 47 ưu tiên đầu tư phát triển cảng đường thuỷ nội địa, và Bộ Tài chính đang nghiên cứu để đưa ra các chính sách miễn giảm thuế cho phát triển cảng đường thuỷ nội địa. Sự ra đời của cảng nội địa Tri Phương chính vì thế rất quan trọng và có ý nghĩa đối với vận tải cả đường thủy và đường bộ./.