Ngày 23/1/2021, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cùng 3 Hội chuyên ngành và AstraZeneca Việt Nam khởi động sáng kiến mới nhằm kiểm soát bệnh hen tại Việt Nam tên gọi Chương trình truyền thông “Bạn kiểm soát hen hay hen kiểm soát bạn.”
Chương trình đặt mục tiêu giúp người bệnh tự đánh giá nguy cơ phụ thuộc thuốc cắt cơn hen của mình một cách nhanh chóng chỉ với 6 câu hỏi trên trang web http://vilaphoikhoe.kcb.vn và fanpage https://www.facebook.com/vilaphoikhoe, nhằm giúp nâng cao nhận thức cộng đồng trong kiểm soát hen tại Việt Nam.
[Đảm bảo công tác y tế ở mức cao nhất phục vụ đại hội Đảng]
Ngoài ra, các hướng dẫn điều trị bệnh hô hấp sẽ được liên tục cập nhật trên hai kênh này, từ đó giúp người bệnh tự trang bị kiến thức để kiểm soát bệnh hen tối ưu hơn và chủ động tìm đến bác sỹ để được chăm sóc phù hợp.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản Lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phân tích quản lý tốt bệnh hen là một trong những ưu tiên của Chính phủ và ngành y tế Việt Nam, thể hiện qua Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm 2015-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị Hen phế quản người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi” trong đó cảnh báo việc sử dụng thường xuyên hoặc quá mức thuốc cắt cơn có thể làm tăng nguy cơ nhập viện và gây tử vong cho người bệnh. Thực hành lâm sàng trong điều trị hen tại Việt Nam đã dần bám sát hướng dẫn này, nhưng để cải thiện bình diện của việc kiểm soát hen đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của cơ quan quản lý, các cơ sở khám chữa bệnh mà còn ý thức của cả cộng đồng.
Nhận định về thực trạng này, phó giáo sư Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo dữ liệu sơ bộ từ chương trình SABINA được thực hiện tại nhà thuốc năm 2020 từ 14 tỉnh/thành phố ở Việt Nam cho thấy, có đến 68% bệnh nhân hen đã mua từ 3 bình thuốc cắt cơn trở lên trong năm vừa qua.
Theo nghiên cứu khoa học được đề cập trong GINA 2019, việc sử dụng 3 bình thuốc cắt cơn/năm có thể tăng gấp 2 lần nguy cơ nhập viện. Sử dụng quá mức SABA liên quan đến các kết cục xấu như tăng phản ứng quá mức đường thở, giảm đáp ứng giãn phế quản, có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhập cấp cứu và có thể tăng nguy cơ tử vong.
Chính vì vậy, người bệnh và cộng đồng cần chủ động tìm hiểu cách thức quản lý bệnh hen trên các kênh truyền thông chính thống.
Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc AstraZeneca Việt Nam nhấn mạnh cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác nhằm cải thiện chất lượng kiểm soát bệnh hen, hỗ trợ các hoạt động nằm nâng cao nhận thức đúng về bệnh và hướng tới loại bỏ các cơn hen cấp.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, nỗ lực kiểm soát tốt bệnh hen tại Việt Nam đang đứng trước nhiều rào cản. Một trong những thách thức đáng kể là tình trạng phụ thuộc quá mức vào liệu pháp cắt cơn (bình xịt giãn phế quản tác dụng ngắn). Thuốc cắt cơn tác dụng ngắn giúp bệnh nhân tạm thời giảm triệu chứng hen, nhưng việc chỉ sử dụng thuốc này trong thời gian dài sẽ làm giảm sự bảo vệ của phế quản, tăng phản ứng quá mức của đường thở dẫn đến nguy cơ vào đợt cấp hen phế quản.
Điều này đã khiến Sáng kiến Toàn cầu về Bệnh hen (Global Initiative for Asthma - GINA) khuyến nghị những thay đổi căn bản trong điều trị hen.
Sau 30 năm, việc dùng thuốc cắt cơn đơn độc đã không còn được GINA khuyến cáo trong điều trị hen ở thiếu niên và người lớn. Hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế cũng cho thấy không nên sử dụng các loại thuốc cắt cơn đơn độc trong điều trị hen vì có thể làm tăng nguy cơ bệnh nhân vào đợt cấp hen phế quản, phải nhập viện cấp cứu hoặc nguy hiểm hơn là tăng nguy cơ tử vong do hen./.
Năm 2017, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình Vì Lá Phổi Khỏe dưới sự hợp tác của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, ba hội chuyên ngành và AstraZeneca. Sau thành công của giai đoạn một, chương trình đã bước sang giai đoạn hai từ 2020 – 2023 với thêm lĩnh vực mở rộng là ung thư phổi, cùng hai kênh truyền thông chính thức: Trang thông tin điện tử http://vilaphoikhoe.kcb.vn và fanpage https://www.facebook.com/vilaphoikhoe. |