Rượu chứa Methanol: Loại “thuốc độc” vẫn ngang nhiên tung hoành

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca ngộ độc rượu Methanol đang có xu hướng gia tăng nhanh do tình trạng lạm dụng rượu tràn lan, đã có 98 người chết vì loại rượu này.
Rượu chứa Methanol: Loại “thuốc độc” vẫn ngang nhiên tung hoành ảnh 1Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Chỉ trong một thời gian ngắn của hơn ba tháng đầu năm, liên tiếp các vụ ngộ độc rượu xảy ra ở nhiều nơi, từ Hà Nội, Lai Châu, Vĩnh Phúc… khiến hàng chục người tử vong, cả trăm người phải nhập viện.

Đặc biệt, các kết quả kiểm nghiệm từ các mẫu rượu còn lại trong các vụ ngộ độc rượu có người tử vong được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng methanol có trong rượu vượt ngưỡng cho phép từ 2.000 đến 9.000 lần…

[Thêm 2 trường hợp nguy kịch vì uống rượu có Methanol]

Tại Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trong ba tháng đầu năm có 19/34 trường hợp sau những cuộc vui bên chén rượu đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, gần chục ca tử vong, 100% ca bệnh nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của loại rượu có chứa cồn công nghiệp (Methanol) đang được bày bán một cách ngang nhiên trên thị trường với những mối hiểm họa đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Bài 1: Rượu có Methanol: "Lưỡi hái tử thần" lướt trên đầu những "ma men"

Những câu chuyện vui buồn từ lâu nay được rất nhiều người chia sẻ qua chén rượu tâm tình với bè bạn, với người thân. Chén rượu dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là cánh nam giới.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay, việc nhiều loại rượu được bày bán trên thị trường với chất lượng trôi nổi, không nhãn mác đã khiến cho rất nhiều người sau những cuộc vui, buồn bên chén rượu rơi vào tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, da tái nhợt, hoa mắt chóng mặt, đồng tử giãn, hôn mê sâu... do bị ngộ độc rượu ở dạng nguy hiểm.

Tại các bệnh viện, người thân của bệnh nhân ngộ độc rượu thì đôn đáo lo lắng, chạy ngược chạy xuôi chăm sóc, kinh phí điều trị có thể lên tới cả trăm triệu đồng nhưng tính mạng của người uống thì đối mặt với “cửa tử” nhiều hơn khả năng sống sót.

Tâm sự nhói lòng của người con có cha chết vì ngộ độc rượu

Dù đã gần một tháng sau khi người cha của mình mất vì ngộ độc rượu, đến giờ N.T.T.N (ở Hà Nội) vẫn ngậm ngùi và bàng hoàng về sự ra đi của người cha của mình. Mọi thứ với cô diễn ra quá nhanh và bất ngờ. Người cha ngày nào khỏe mạnh như thường, vậy mà chỉ vài ngày sau khi uống rượu đã rời xa cuộc đời này vĩnh viễn.

[Số người tử vong vì ngộ độc rượu có Methanol tăng vọt từ năm 2016]

N. kể, cho đến giờ tất cả thành viên trong gia đình cô vẫn hụt hẫng và nhói lòng. Bởi bố của cô sau khi uống rượu bên ngoài về đến nhà thì ngất lịm và được đưa vào viện. Ông đã không bao giờ tỉnh lại sau 5 ngày cấp cứu trong viện.

N. tâm sự, hàng ngày, đặc biệt là từ sau dịp Tết Nguyên đán, cô vẫn nghe tin tức thời sự cảnh báo chuyện ngộ độc rượu với những cụm từ như "Ngộ độc rượu trên Lai Châu, X… người chết", "Các sinh viên ăn liên hoan, X người nhập viện do ngộ độc rượu giả."

Những tưởng các câu chuyện đó chỉ xảy ra ở nơi khác khi N. xem trên truyền hình và đọc báo nhưng không ngờ có một ngày nạn nhân chính là bố mình.

“Sau 5 ngày điều trị thì bố em đã đi rồi. Em mong mọi người đọc được xin đừng chủ quan, nghĩ rằng mình hay người nhà không bao giờ là nạn nhân. Chính em cũng đã từng nghĩ vậy cho đến ngày hôm nay...” N. ngậm ngùi.


Rượu chứa Methanol: Loại “thuốc độc” vẫn ngang nhiên tung hoành ảnh 2Kết quả xét nghiệm của một bệnh nhân cho thấy hàm lượng Methanol trong máu cao chót vót. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

N. kể, các bác sỹ cho hay, kết quả xét nghiệm máu của bố cô có nồng độ Methanol là 160 mg/dL. Trong khi đó, theo các chuyên gia về chống độc thì nồng độ Methanol trong máu bệnh nhân là 20mg/dL đã có thể gây ngộ độc, trên 40mg/dL là ngộ độc rất nặng. Độ Methanol tầm 40 mg/dL là khả năng tử vong cực cao.

“Để chữa trị nhiễm độc Methanol không phải là không thể nhưng giá cả thật sự là một vấn đề lớn với nhiều gia đình,” N cho hay.

Chị tâm sự, việc điều trị cho bố của chị trong mấy ngày nằm viện vô cùng tốn kém. Mỗi lần lọc máu kéo dài khoảng 10-12 tiếng, cần 3 quả lọc, mỗi quả lọc trị giá 20 triệu đồng, chưa tính tiền hoá chất. Một lần hóa chất mất gần 2 triệu đồng và tuỳ tình trạng của từng người sẽ phải lọc nhiều hay ít.

[Uống 1 lít rượu trắng, 7 thanh niên nhập viện nghi ngộ độc methanol]

“Có ca ngộ độc rượu đã phải lọc liên tục 5 ngày vẫn chưa hết chất độc. Các bạn thử nhân lên cứ lọc liên tục vài ngày như vậy thì chi phí đã là bao nhiêu? Rất nhiều gia đình đã phải xin cho bệnh nhân về do không lo được chi phí điều trị. Liệu đến lúc đi lo được tiền thì bệnh nhân còn bao nhiêu phần trăm sống sót?” N. chia sẻ.

Nói về kinh phí chữa trị cho bố sau gần một tuần nhập viện tại Bệnh viện Thanh Nhàn, N. cho hay, nguồn kinh phí gia đình phải chi trả thêm rất lớn, hơn 100 triệu đồng phải trả thêm, vậy mà vẫn không cứu được bố.

Ngộ độc rượu gia tăng chóng mặt

Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Khoa Chống độc (Bệnh Viện Bạch Mai) cho hay, trước đây số ca ngộ độc rượu có rất ít. Kể cả rượu nấu theo phương pháp thủ công cũng không gây ra nhiều ca ngộ độc hàng loạt như trong thời gian gần đây.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, có 4 chùm ca bệnh ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chùm ca 1 xảy ra vào tháng Một, địa điểm quanh bệnh viện 198: có ba bệnh nhân đều tử vong. Chùm ca 2 cũng xảy ra tại Hà Nội vào tháng Hai, có 4 bệnh nhân thì có 2 trường hợp tử vong. Chùm ca ngộ độc rượu thứ 3 xảy ra vao cuối tháng Hai đầu tháng Ba với 6 bệnh nhân thì có 1 trường hợp tử vong.

Chùm ca ngộ độc rượu thứ 4 xảy ra ở Cầu Giấy với 9 bệnh nhân là sinh viên.

Rượu chứa Methanol: Loại “thuốc độc” vẫn ngang nhiên tung hoành ảnh 3Kết quả phim chụp não của một bệnh nhân ngộ độc rượu Methanol đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai bị tổn thương nặng nề. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Thống kê của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy số ca ngộ độc rượu Methanol đang có xu hướng gia tăng nhanh do tình trạng lạm dụng rượu tràn lan. 10 năm qua, toàn quốc có 382 người bị ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, làm 98 người chết (thống kê này không bao gồm ca ngộ độc rượu lẻ tẻ). 

Chỉ riêng 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 3 vụ ngộ độc do rượu methanol, với 78 người mắc và gần 20 người tử vong. Trong đó riêng ngộ độc rượu tập thể tại Lai Châu vào tháng 2 đã có đến 10 người thiệt mạng, 68 người mắc. Trong khi năm 2016 không ghi nhận vụ nào, năm 2015 có 2 vụ ngộ độc rượu methanol nhưng chỉ có 5 người mắc và 1 tử vong.

Bác sỹ Nguyên phân tích, đặc điểm chung của các bệnh nhân là tất cả lạm dụng hoặc nghiện rượu, hầu hết, 32/34 bệnh nhân - chiểm tỷ lệ 92% uống rượu không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tính chất ngộ độc tập thể đang ngày càng gia tăng, bao gồm công nhân và sinh viên. Các bệnh nhân có các biểu hiện muộn sau khi uống, nên đến bệnh viện muộn và trong tình trạng nặng.

Phần lớn các ca ngộ độc rượu sẽ tử vong hoặc di chứng nếu không được điều trị. Bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như: đau đầu, buồn nôn, mờ mắt, hôn mê. Có 19/34 ca trong tình trạng hôn mê khi đến viện, 100% ca bệnh nhiễm toan chuyển hoá nặng.

Bác sỹ Nguyên đánh giá, ngộ độc Methanol ở Việt Nam hầu hết do các loại rượu chưa được kiểm soát (khác với các nước phát triển). Hầu hết bệnh nhân đều đến viện muộn dẫn tới bệnh nặng, tử vong hoặc di chứng cao.

Phân tích về tác hại của rượu với sức khỏe con người, tiến sỹ Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người tử vong vì sử dụng đồ uống có cồn đạt tới con số 3,3 triệu người tử vong/năm. Trung bình, việc lạm dụng rượu bia có thể làm giảm đi khoảng 5 năm tuổi thọ của con người. Lạm dụng rượu bia còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 bệnh và gián tiếp liên quan đến 200 bệnh như: Xơ gan, ung thư, hệ thần kinh, tim mạch, đột quỵ… Lượng cồn càng nhiều thì độc tính càng cao và không phụ thuộc vào loại rượu.

Theo tiến sỹ Sơn, nếu một người nam giới uống trung bình trên 80gr/ngày và nữ uống trên 60gr/ngày, uống liên tục trên 10 năm thì nguy cơ xơ gan đến 12-15%. Nếu uống > 160gr/ngày liên tục 7 ngày thì nguy cơ viêm gan do rượu sẽ xảy ra và nếu tiếp tục uống trên 8 năm thì nguy cơ xơ gan là 40%. Cách uống rất quan trọng, nếu ngày nào cũng uống thì độc cho gan hơn là thỉnh thoảng mới uống.

Những tác hại của rượu gây ra với hậu quả cho con người thật khủng khiếp. Và điều này càng trở nên nguy hại hơn khi những loại rượu trôi nổi, với chất lượng kém được trà trộn với mác rượu quê, rượu truyền thống…/.

Thực trạng ngộ độc rượu có chứa Methanol.

Với các vụ ngộ độc rượu trong Methanol liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây và mức độ nghiêm trọng của các ca ngộ độc đã làm dấy lên câu hỏi về chất lượng rượu sản xuất trong nước và công tác quản lý ngành cồn rượu của Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng việc quản lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu hiện nay còn nhiều kẽ hở dẫn đến thực trạng pha cồn công nghiệp Methanol với nước lã để thành rượu. Điều đáng lo ngại là hiện nay cơ quan chức năng và các địa phương chưa chưa kiểm soát được việc pha chế rượu từ cồn công nghiệp Methanol, cũng như chưa quản lý được rượu nấu thủ công trong các hộ gia đình.

Bài 2: Rượu bán khắp nơi, giá rẻ như mua một chai nước lọc

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục