Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, trong các năm gần đây, lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh tăng đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Năm 2011, lượng khách thông qua cảng đạt 1 triệu lượt thì đến năm 2015, con số này là 2,7 triệu lượt và năm 2016 tăng lên gần 4,9 triệu lượt.
Trong năm nay, theo ước tính của Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, khoảng 6 triệu lượt hành khách thông qua cảng. Trong khi đó, công suất thiết kế của nhà ga dùng chung cho cả hành khách nội địa và quốc tế chỉ ở mức 2,5 triệu lượt/năm. Chỉ tính 2 tháng đầu năm nay, đã có 1 triệu lượt hành khách thông qua cảng, trong đó, trên 50% số hành khách quốc tế.
Hiện 16 hãng hàng không khai thác các đường bay trong nước và quốc tế đi và đến Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, trong đó, các đường bay nội địa từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Các tuyến bay quốc tế đến từ Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Campuchia.
Sân bay Cam Ranh được quân đội Mỹ xây dựng cho mục đích quân sự trong những năm chiến tranh. Đến năm 2004, sân bay này được chuyển sang khai thác dân dụng trong nước và năm 2009, Chính phủ đã quyết định nâng cấp sân bay Cam Ranh thành Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh.
Tuy nhiên, hiện sân bay Cam Ranh chỉ có một đường băng cất hạ cánh và đã xuống cấp, bề mặt bêtông lão hóa sau thời gian dài sử dụng. Mặc dù đây là công trình kết cấu hạ tầng giao thông thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước, đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải nhưng ngân sách Trung ương chưa cân đối được để đầu tư, nâng cấp cảng này.
Do tính cấp bách từ nhu cầu thực tế, tỉnh Khánh Hòa chủ động kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh chủ trì, huy động các nguồn vốn hợp pháp của địa phương để đầu tư, xây dựng đường cất hạ cánh số 2.
Tháng 3/2015, tỉnh Khánh Hòa khởi công xây dựng đường băng này, với tổng mức đầu tư trên 1.930 tỷ đồng và dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, sau khi bố trí được nguồn vốn ban đầu khoảng 400 tỷ đồng trong năm 2015, tỉnh Khánh Hòa đã không huy động được thêm nguồn vốn. Thực tế này khiến dự án chậm tiến độ và gần đây phải tạm dừng thi công.
Gần đây, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý bố trí một phần vốn từ Trung ương, tỉnh Khánh Hòa tìm thêm nguồn vốn huy động để tiếp tục thực hiện dự án, đáp ứng kế hoạch và tiến độ thi công, đưa vào sử dụng vào năm 2018.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế nhằm chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa chức năng của cảng và phù hợp với quy hoạch chung của hệ thống sân bay cả nước từ nay đến năm 2030.
Tháng 9/2016, Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh triển khai dự án “Nhà ga hành khách quốc tế-Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh” với tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng. Do nguồn vốn của chủ đầu tư có hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) ký kết hợp đồng tín dụng, tài trợ vốn vay cho chủ đầu tư số tiền 2.988 tỷ đồng (chiếm 80% tổng mức đầu tư của dự án) nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính và đáp ứng tiến độ xây dựng với mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 của nhà ga này vào đầu năm 2018.
Như vậy, việc tỉnh Khánh Hòa triển khai đồng thời hai dự án đường hạ cất cánh số 2 và nhà ga hành khách quốc tế cho Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, phấn đấu hoàn thành vào năm 2018, chính là hai mấu chốt để giải quyết cơ bản tình trạng quá tải kéo dài tại đây./.