Chương trình sàng lọc bất thường ở bộ phận sinh dục của trẻ em trai Hà Nội triển khai lần đầu tiên ở địa bàn quận Hoàn Kiếm đã cho kết quả đáng lo ngại.
Qua hai đợt khám sàng lọc, toàn quận có 1.187 trẻ cần can thiệp, chiếm tỷ lệ 44,27%, trong đó số trẻ cần can thiệp ngay như tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, thoát vị bẹn, lỗ tiểu lệch, hai lỗ tiểu chiếm tới 7,16%.
Nguy cơ từ sự chủ quan của người lớn
Bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình quận Hoàn Kiếm cho biết năm 2016 là năm đầu tiên quận Hoàn Kiếm tổ chức sàng lọc phát hiện bất thường bộ phận sinh dục của trẻ ở khối các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục.
Ở độ tuổi mẫu giáo, mầm non, trẻ vẫn chưa biết cách tự chăm sóc, vệ sinh vùng kín của bản thân. Nhiều trẻ đến trường trong tình trạng chưa được vệ sinh đúng cách.
Theo bà Hoa, nhiều gia đình chủ quan trong việc tắm rửa hàng ngày cho con, cho con mặc quần sịp quá sớm, mặc quần bó sát vào phần hông và bộ phận sinh dục gây ngứa, viêm da, trẻ khó thao tác khi muốn đi vệ sinh tại trường học...
Không ít gia đình ở Hà Nội, vai trò của ông bố trong việc hướng dẫn vệ sinh cho bé trai rất mờ nhạt. Thậm chí việc tắm rửa, vệ sinh cho trẻ phó thác cho người giúp việc, dẫn đến tình trạng trẻ có những dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục nhưng không được can thiệp sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ sau này.
Thực tế cho thấy những vấn đề bất thường ở cơ quan sinh dục trẻ thường mắc phải là hẹp, dính và viêm nhiễm bao quy đầu.
Bác sỹ Nguyễn Thế Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, người đã trực tiếp tham gia khám cho các cháu, đã không giấu được sự ngạc nhiên khi có trẻ bị nhiễm khuẩn nặng ở bộ phận sinh dục mà gia đình không hề biết. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm nhiễm ở bộ phận sinh dục là do không được vệ sinh hàng ngày hoặc vệ sinh không đúng cách. Nhiều trẻ để tình trạng bao quy đầu cặn trắng đọng lại, có mùi hôi, viêm nhiễm, thậm chí có những trẻ, cặn đã chuyển sang vàng, đóng hòn, đóng cục, dịch như bã đậu.
Đáng lưu ý, một số phụ huynh mặc dù biết trẻ có hiện tượng hẹp, bán hẹp bao quy đầu, chưa lộn được bao quy đầu ra nhưng chủ quan nghĩ là chưa cần can thiệp ngay. Đây chính là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về các bệnh thận, viêm đường tiết niệu...
Cần sự chủ động vào cuộc của gia đình
Năm 2016, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các trường đã tổ chức 13 buổi truyền thông cho cha mẹ có con ở độ tuổi đầu đời về chương trình sàng lọc bộ phận sinh dục trẻ trai, thu hút 421 phụ huynh tham dự.
Bên cạnh đó, qua việc khám sàng lọc, các bác sỹ đã phát hiện những nghi ngờ bệnh lý như tinh hoàn hai bên, lệch lỗ tiểu, hình thái dương vật bất thường, thoát vị bẹn, các vấn đề về bao quy đầu..., tư vấn cho gia đình trẻ để hỗ trợ can thiệp kịp thời, không để ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ sau này.
Bác sỹ Nguyễn Thế Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội cho biết các bất thường ở bộ phận sinh dục của trẻ cần được phát hiện và can thiệp (bằng nội, ngoại khoa) sớm vì trẻ càng lớn thì càng dễ có tai biến, ảnh hưởng lớn đến phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, nhất là nguy cơ có thể dẫn đến bị ung thư tinh hoàn (đối với trường hợp tinh hoàn bị ẩn).
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh nhân tinh hoàn ẩn nếu được điều trị khi quá 15 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên chỉ còn 15%. Điều trị từ giữa 9-12 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên là 30%; giữa 5-8 tuổi là 40%; giữa 2-3 tuổi là 50% và giữa 1-2 tuổi là 90%. Tỷ lệ tinh trùng thấp kém là nguyên nhân đe dọa sức khỏe sinh sản. Chính vì vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em trai cần được quan tâm hơn nữa để tránh cho trẻ những rủi ro sau này.
Hoạt động khám sàng lọc chỉ số phát triển, sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục bé trai và truyền thông chăm sóc vệ sinh cơ thể, phòng chống xâm hại/lạm dụng trẻ em triển khai ở Hà Nội triển khai qua hai đợt từ đầu năm đến nay đã nhận được nhiều ý kiến khẳng định về sự cần thiết của chương trình.
Nhiều bậc phụ huynh đã nhận thức được tầm quan trọng của chương trình và đề nghị đưa vào hoạt động thường xuyên, mở rộng hình thức truyền thông, tuyên truyền, tọa đàm tới các bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh có con trong độ tuổi.
Tình trạng vô sinh, hiếm muộn đang là vấn đề thực sự đáng báo động đối với toàn xã hội mà một trong những nguyên nhân đến từ sự chủ quan của mọi người. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng chương trình sàng lọc bất thường ở bộ phận sinh dục của trẻ em, cần có sự chủ động của các ông bố, bà mẹ, tránh quan niệm sai lầm để lại hậu quả ảnh hưởng đến tương lai của các cháu./.