Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó chánh văn phòng Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, ngày 10/1, VEC sẽ thông xe kỹ thuật đoạn từ An Phú đến nút giao Vành đai 2 (thuộc Thành phần I) của Dự án đường cao tốc Bắc-Nam đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Dự án thành phần I dài 4 km từ An Phú đến Vành đai 2 gồm 3 gói thầu xây lắp. Gói thầu 7 và 8 khởi công xây dựng vào tháng 2/2013, gói thầu số 9 khởi công tháng 4/2013 đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 9/2014 vượt tiến độ 6 tháng.
Hai gói thầu còn lại sau một thời gian thi công, đến nay đã cơ bản hoàn thành để đưa vào khai thác. Khi đưa vào khai thác sẽ kết nối đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây với đại lộ Đông Tây, trục đường giao thông quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh và góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh lận cận, giảm thời gian và tăng khả năng tiếp cận, kết nối với các phương tiện tham gia giao thông từ trung tâm thành phố đi lên cao tốc còn 4 km thay vì gần 9 km như trước đây.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh nối quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A. Dự án đi qua địa phận của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây có tổng chiều dài toàn tuyến là 55 km được chia làm hai dự án thành phần: Dự án thành phần I (Đoạn An Phú-Vành đai 2) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, quy mô giai đoạn I: 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m; mặt đường rộng 2x7,5m và 2 làn dừng khẩn cấp 2x3m.
Dự án thành phần II (Đoạn Vành đai 2-Long Thành-Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/giờ, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/giờ; Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn I: 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng, trong đó 276,8 triệu USD từ nguồn vốn vay OCR của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 640,3 triệu USD vốn vay ODA của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, để chuẩn bị cho việc đưa tuyến đường vào khai thác, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các đơn vị quản lý vận hành, bảo trì và thu phí tuyến đường, đồng thời cũng đã làm việc với Cục cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (C67), cứu hộ y tế và các cơ quan, chính quyền địa phương có tuyến đường đi qua, thống nhất quy chế phối hợp thực hiện điều hành, kiểm soát giao thông trong quá trình khai thác; tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn, cứu thương 24/24 giờ... để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc.
Theo VEC, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây dự kiến sẽ đưa vào khai thác toàn tuyến 55 km trong tháng Hai tới./.