Hiện nay, tại nhiều bệnh viện và các cơ sở y tế, ghi nhận khá nhiều trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Sáng 4/7, trao đổi với phóng viên Vietnam+, giáo sư Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho hay trước tình hình bệnh viêm não Nhật Bản đã bắt đầu vào mùa bùng phát, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ cung ứng đủ vắcxin tiêm phòng theo lịch.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, giáo sư Hiển cho hay, đối với bệnh viêm não Nhật Bản, theo thống kê, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng Sáu, hiện nay đã sang tháng Bảy và bệnh sẽ có xu hướng giảm dần theo mùa. So với cùng kỳ năm ngoái số người mắc bệnh giảm 14%, số người tử vong cũng ít hơn so với năm trước 7 người.
Qua báo cáo giám sát của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trọng điểm cho thấy số ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay không tăng so với chu kỳ chung, mà chỉ tăng hơn so với tháng trước.
Về công tác cung ứng vắcxin phòng bệnh, theo ông Hiển, trong thời gian vừa qua, ngành y tế cũng đã triển khai đẩy mạnh sớm việc tiêm phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ em và những đối tượng có nguy cơ cao góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, ngành y tế đã lên kế hoạch từ đầu năm và các công ty trong nước cũng đã cam kết cung ứng đủ vắcxin phòng bệnh.
“Cho đến nay vắcxin tiêm phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng không thiếu. Ngành y tế sẽ cung ứng đủ vắcxin tiêm phòng theo lịch, thậm chí nếu cần các chiến dịch tiêm bổ sung các bệnh khác như sởi, bại liệt… đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay,” Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tế Trung ương khẳng định.
Theo giáo sư Hiển, nhiều năm nay ngành y tế sử dụng vắcxin viêm não Nhật Bản của Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 của Việt Nam sản xuất, với công nghệ chuyển giao của Nhật Bản. Hiệu quả những năm qua cho thấy tỷ lệ đối tượng mắc bệnh này đã giảm đi đáng kể.
Vắcxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản ở Việt Nam sử dụng từ năm 1997 đến nay. Từ năm 2014, sẽ chính thức đưa vắcxin này được sử dụng 100% các quận, huyện, xã phường trong cả nước.
Theo giáo sư Hiển, qua giám sát vừa qua của ngành y tế cho thấy, đa phần những đối tượng mắc bệnh viêm não Nhật Bản đều chưa tiêm vắcxin phòng bệnh. Vì vậy, ngành y tế đưa ra khuyến cáo, để phòng bệnh thì người dân cần tiến hành việc tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch./.