Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn dài 43km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa sẽ được khởi công cuối tháng 6/2021.
Theo ông Thắng, ngày 4/2/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1213/NQ-UBTVQH14 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư dự án thành phần Quốc lộ 45-Nghi Sơn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 từ đầu tư PPP (hợp tác công tư) sang đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP triển khai Nghị quyết 1213/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành dự án về cơ bản trong năm 2023.
“Hiện nay dự án đã được phê duyệt điều chỉnh hình thức đầu tư, hoàn thành thiết kế cơ sở kỹ thuật và Ban Quản lý dự án 2 đã tổ chức đấu thầu phát hành hồ sơ mời thầu 3 gói thầu xây lắp để chọn nhà thầu. Giữa tháng 5/2021 có thể mở thầu và đầu tháng Sáu có kết quả sơ bộ để trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, cố gắng cuối tháng 6/2021 khởi công dự án,” ông Thắng khẳng định.
Rút kinh nghiệm từ dự án cao tốc Bắc-Nam đã và đang triển khai, do giá vật liệu tăng cao nên ảnh hưởng đến nhà thầu và tiến độ, chất lượng nhà thầu, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 đề nghị thời gian tới các địa phương ổn định giá vật liệu.
[Cao tốc đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn sẽ hoàn thành vào năm 2023]
Mặc dù Tư vấn thiết kế đã khảo sát các mỏ cấp phép trong quy hoạch, tuy nhiên, phía Ban Quản lý dự án 2 đề nghị địa phương bổ sung các mỏ đưa vào quy hoạch để ổn định giá vật liệu, địa phương bố trí các bãi đổ thải vật liệu.
Đề cập đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án này, ông Thắng cho hay mặt bằng giải phóng được 95%, còn vướng một số về nguồn gốc đất, định giá đất và tiến độ song tỉnh Thanh Hóa cam kết đến 30/6 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu để thi công.
Được biết, dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn có chiều dài 43km đi qua tỉnh Thanh Hóa, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.534 tỷ đồng gồm chi phí xây dựng và thiết bị 3.193,2 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 1.494 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 328,8 tỷ đồng; chi phí dự phòng (không bao gồm giải phóng mặt bằng) 518,3 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự án khoảng 2 năm, hoàn thành năm 2023./.
Nhấn mạnh vai trò của các nhà thầu trong việc đảm bảo chất lượng của công trình, thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các Ban Quản lý dự án phải tổ chức công tác đấu thầu đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế, thực hiện nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, lựa chọn các nhà thầu thực sự đáp ứng được năng lực, có kinh nghiệm. Ngoài ra, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án phải thành lập và ban hành quy chế làm việc Tổ chuyên gia đấu thầu đáp ứng về số lượng nhân sự, trình độ, chuyên môn, bảo mật thông tin; áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, giám sát chặt chẽ công tác quản lý hồ sơ. Giám đốc Ban Quản lý dự án phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước lãnh đạo bộ về tiến độ, chất lượng của dự án; các cơ quan đơn vị liên quan cũng cần tăng cường nhân lực, chủ động giám sát, phối hợp và hỗ trợ các Ban Quản lý dự án để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc. |