Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay tần suất 1-2 chuyến/tuần đang là tương đối lớn đối với khả năng cách ly của các địa phương, vì vậy Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục kiện toàn lại việc cách ly, cũng như thống nhất về chi phí cách ly của các đơn vị lưu trú tại địa phương.
Hãng bay không liên quan đến các chi phí khác ngoài giá vé
Vừa qua, ngày 30/9 tại nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, 158 hành khách trên chuyến bay VJ 963 từ Hàn Quốc về Thành phố Hồ Chí Minh đã phải chờ đợi hơn 10 tiếng để xử lý các sự cố liên quan đến giá lưu trú chi phí cách ly tại khách sạn.
Từ sự việc này, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, với việc mở các đường bay thương mại quốc tế đến Việt Nam, lượng khách về nước ngày càng lớn, sẽ có hình thức quy định nào áp dụng cho các hành khách không tuân thủ thỏa thuận về cách ly? Đồng thời, đó là mức độ cần thiết có sự thống nhất pháp lý giữa các đơn vị hữu quan trong công tác đảm bảo việc cách ly, không để người có bệnh lây lan ra cộng đồng
Để có thể đặt chân vào Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã có những quy định với khách bay, trong đó hãng hàng không chỉ bán vé cho người đã có thị thực nhập cảnh và địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam.
Khi bán vé, các hãng hàng không chịu trách nhiệm kiểm tra giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay.
Hãng hàng không phải gửi Cảng vụ hàng không danh sách hành khách dự kiến thực hiện chuyến bay 12 giờ trước giờ khởi hành theo phép bay và danh sách chi tiết hành khách chuyến bay 30 phút trước giờ khởi hành thực tế của chuyến bay.
Hành khách phải cách ly tại khách sạn có trả phí
Theo quy định của Chính phủ, hành khách trên các chuyến bay thương mại buộc phải thực hiện cách ly tại các khách sạn có trả phí.
Do đó, các hành khách trên chuyến bay thương mại muốn nhập cảnh, yêu cầu trước tiên là phải đăng ký cách ly ở một khách sạn trong chuỗi khách sạn được chỉ định làm cơ sở cách ly mới được phép nhập cảnh.
[TP HCM họp báo về quy định và mức phí cách ly với người nhập cảnh]
Liên quan đến vụ việc hôm 30/9, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng giám đốc phụ trách Công ty cổ phần hàng không Vietjet cho hay: Vietjet mở lại đường bay quốc tế trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn phòng chống dịch bệnh. Trước khi bay, 100% hành khách đều đã ký vào thỏa thuận về việc cách ly an toàn trong các khách sạn nằm trong danh sách.
“Vietjet không được phép công bố giá khách sạn và cũng không quyết định phí khách sạn cách ly. Chuyến bay ngày 30/9 vừa qua, Vietjet đã nỗ lực tối đa, kinh phí tốt nhất. Với nỗ lực lớn của các sở ngành, giá phí thấp nhất giá khách hàng đã thỏa thuận trước khi bay rất nhiều,” bà Bình cho biết.
Cần thống nhất về chi phí cách ly
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, vừa qua Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 đã có nhiều chỉ đạo, gần đây nhất Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan mở các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam tới các nước.
“Việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam,” ông Đông nhấn mạnh.
Với chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm việc với nhà chức trách hàng không của các nước. Việc mở lại các đường bay dựa trên cơ sở phòng chống dịch không phải riêng của Việt Nam mà còn của các nước mà hãng hàng không có thể đến, do đó cần có sự thống nhất chung giữa các quốc gia.
[Nối lại đường bay quốc tế có tạo 'cú hích' với thị trường hàng không?]
Thứ trưởng Đông cũng đánh giá việc mở các đường bay sẽ theo lộ trình và theo thứ tự ưu tiên. Các nước được ưu tiên sẽ là các địa bàn kiểm soát dịch tốt, cụ thể ở đây là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia…, để có thể trao đổi các chuyến bay trên cơ sở kiểm soát dịch tốt.
Hiện tại, với các địa bàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Bộ Giao thông Vận tải có đưa ra phương án 1-2 chuyến bay/tuần, có sự thống nhất giữa các bộ ngành đối với quy định về các đối tượng được bay, cách kiểm dịch cũng như cách ly giao về địa phương.
Theo phân công, Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ trao đổi với các nhà chức trách hàng không để kết nối các chuyến bay cũng như thảo luận hướng bay, thống nhất phương thức kiểm dịch của các chuyến bay đến/đi… Việc tổ chức cách ly được giao cho các địa phương thực hiện.
Đối với một số vướng mắc nhất định hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục kiện toàn lại việc cách ly vì hiện nay tần suất 1-2 chuyến/tuần đang là tương đối lớn đối với khả năng cách ly của các địa phương, cũng như thống nhất về chi phí cách ly của các đơn vị lưu trú tại địa phương.
“Như vậy, có thể thấy việc mở thành công các chuyến bay quốc tế đầu tiên sẽ là tiền đề để mở các chuyến bay tiếp theo tới Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan cũng như thống nhất cách bay, công tác cách ly trong thời gian tới,” ông Đông khẳng định./.