Nghị định 146/2018-NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với nhiều điểm mới chính thức có hiệu lực từ 1/12/2018, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tính toán tất cả các yếu tố, sẽ phải tăng chi thêm hơn 6.000 tỷ đồng.
Cùng các yếu tố tăng chi, có những yếu tố về tăng mức đóng, đã được tính toán đầy đủ.
Thông tin trên được ông Nguyễn Tá Tỉnh - Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết tại buổi Giao lưu trực tuyến “Những điểm mới trong chính sách bảo hiểm y tế từ tháng 12/2018,” do Báo Nhân Dân điện tử phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức chiều 30/11 tại Hà Nội.
Cập nhật chính sách phù hợp tình hình mới
Từ ngày 1/12/2018, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế với nhiều điểm mới chính thức có hiệu lực.
Nghị định 146/2018 có nhiều nội dung nổi bật, đáng chú ý, thay thế Nghị định 105/2014/NĐ-CP, với mục tiêu cập nhật chính sách cho phù hợp tình hình mới; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai chính sách bảo hiểm y tế thời gian qua.
[Nối vi phẫu cho một phụ nữ bị máy cuốn lột gần hết da đầu]
Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho hay, Nghị định 146/2018 có khá nhiều điểm mới bổ sung cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm tính công bằng trong chính sách bảo hiểm y tế, không bỏ sót đối tượng nào, góp phần tăng nhanh tỷ lệ phục vụ cho toàn dân.
Nghị định cũng bổ sung và điều chỉnh một số trường hợp, như: trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán và phương thức điều trị được chuyển về theo dõi quản lý, cấp phát thuốc được bảo hiểm y tế chi trả.
Theo nghị định mới này, quyền lợi của người thuộc diện bảo hiểm y tế được mở rộng hơn đó là, người đang tham gia bảo hiểm y tế mà thẻ hết hạn sử dụng thì vẫn được hưởng bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh tại các cơ sở đó, trong tối đa là 15 ngày từ khi hạn bảo hiểm hết hạn. Trong 15 ngày đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ có trách nhiệm thực hiện cấp, gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian bệnh nhân điều trị nội trú.
Một điểm mới trong Nghị định cũng điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến mối quan hệ và công tác giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với cơ sở khám chữa bệnh, cũng như cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm tăng thêm hiệu quả của bảo hiểm y tế.
Nghị định lần này có quy định chi tiết về nội dung hoạt động trong thực tế, trong đó có quy định rõ trách nhiệm xử lý các trường hợp khi có vướng mắc phát sinh.
Tác động chi phí khám chữa bệnh
Những nội dung quy định mới của Nghị định 146/2018-NĐ-CP sẽ tác động đến tình hình chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa phương.
Ông Nguyễn Tá Tỉnh cho hay, khi có thay đổi chính sách, đương nhiên có sự tác động đến quỹ bảo hiểm y tế. Điều này đã được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tính toán.
Đối với Nghị định 146/2018-NĐ-CP, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tính toán tất cả các yếu tố, sẽ phải tăng chi thêm hơn 6.000 tỷ đồng. Cùng các yếu tố tăng chi, có những yếu tố về tăng mức đóng, đã được tính toán đầy đủ.
“Năm 2019, sẽ tham mưu Thủ tướng giao tổng mức/dự toán chi khám chữa bệnh của năm 2019. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh có thể sẽ xem xét để cân nhắc các yếu tố do nhu cầu đã chi tiêu ở những năm trước cùng với các yếu tố phát sinh trong năm 2019, để tiếp tục giao tổng mức thanh toán cơ sở khám chữa bệnh. Khi nhiệm vụ được tăng thì nguồn kinh phí được gia tăng. Năm 2018, chúng tôi đã báo cáo Bộ Y tế và Bộ Tài chính, sẽ tăng tương ứng với một tháng tác động của Nghị định 146, bảo đảm quyền lợi khi Nghị định 146 quy định,” Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) nhấn mạnh.
Hơn 87% dân số tham gia bảo hiểm y tế
Tính đến hết tháng 10 năm nay, số người tham gia bảo hiểm y tế là 82 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 87% dân số. Do đó, những thay đổi mới trong chính sách bảo hiểm y tế thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân.
Từ năm 2020, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ đưa vào sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho hay, theo quy định của Luật, cơ quan Bảo hiểm Xã hội phải có trách nhiệm ban hành thẻ bảo hiểm y tế điện tử. Thời hạn của việc cấp thẻ điện tử là năm 2020. Hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang chuẩn bị cho công việc này.
Để triển khai thực hiện thẻ điện tử cần có quá trình chuẩn bị cho hệ thống hạ tầng để bảo đảm tiếp nhận được thẻ này.
Khi sử dụng thẻ điện tử, người dân sẽ thuận lợi hơn trong quá trình khám chữa bệnh, sẽ rút ngắn thời gian trong thời gian chờ đợi, làm các thủ tục hành chính khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ở nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng thẻ bảo hiểm y tế khoảng 34 triệu đối tượng. Đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ từ 30-70% giá trị thẻ bảo hiểm y tế chiếm khoảng 31% số thẻ, cho hơn 16 triệu người. Như vậy, Đảng và Nhà nước đang có sự quan tâm rất lớn đến người dân và ngân sách nhà nước đang có sự hỗ trợ lớn đến các đối tượng hưởng chính sách bảo hiểm y tế./.