Liên quan đến tình trạng ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở sau khi Hà Nội đưa tuyến đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở) vào khai thác, chiều tối ngày 11/11, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã trực tiếp đến hiện trường khảo sát tình trạng ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở.
Trực tiếp vi hành, ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết quá trình khảo sát vào giờ cao điểm buổi chiều đi từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng, chưa có một điểm đèn tín hiệu nào bản thân ông phải chờ đến nhịp đèn đỏ thứ hai.
“Việc di chuyển bằng xe máy trên trục đường này, người dân có thể lưu thông ổn định, giải pháp tổ chức giao thông đến thời điểm này là phù hợp,” ông Hà khẳng định.
Đề cập đến việc điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu, giảm ùn ứ tại nút giao Ngã Tư Sở ở thời điểm hiện tại, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đánh giá, một chu kỳ đèn ở Ngã Tư Sở khoảng 160-165 giây phân bổ cho 8 hướng. Với hướng Tây Sơn-Nguyễn Trãi đã được đóng để tổ chức giao thông sau khi đưa đoạn tuyến vành đai 2 (Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở) vào khai thác, thời lượng đèn sẽ dư được 21 giây xanh. Khoảng dư này sẽ được phân bổ cho các hướng còn lại để lưu thông dễ hơn.
“Trong 10 ngày tới, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với liên ngành theo dõi, điều chỉnh công tác tổ chức đèn tín hiệu nếu có bất cập,” ông Hà nhấn mạnh.
[Nút Ngã Tư Sở vẫn ùn tắc sau khi thông xe đường vành đai 2 trên cao]
Để phục vụ công tác phân luồng giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở thuận lợi, cơ quan chức năng đã bổ sung biển báo cấm dừng, đỗ để lực lượng chức năng có cơ sở xử lý phương tiện vi phạm trong phạm vi nút; mở các điểm quay đầu…
Theo ông Hà, đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng được đưa vào khai thác mới chỉ là một đoạn tuyến của đường vành đai 2. Sau đoạn tuyến này, Hà Nội sẽ hoàn thành đường cả trên cao và dưới thấp từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy theo dự án do Tập đoàn Vingroup đầu tư triển khai theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao).
“Trong quy hoạch, tuyến đường vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến đường Cầu Giấy. Bằng việc huy động nguồn lực cộng với kế hoạch mở rộng đường Láng theo quy hoạch 50m, hệ thống đường vành đai 2 từ Vĩnh Tuy đến Cầu Giấy sẽ được triển khai. Khi hệ thống hạ tầng giao thông khung hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết được triệt để các vấn đề về ách tắc giao thông,” vị Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải nói.
Tuy nhiên, ông Hà cũng thừa nhận giai đoạn trước mắt, việc tổ chức giao thông phải chấp nhận điều tiết, điều chỉnh thường xuyên theo từng thời điểm, khung giờ, mật độ lưu thông.
Một số chuyên gia giao thông chỉ ra nguyên nhân gây ùn tắc tại Ngã Tư Sở hiện nay là do lượng xe từ đường vành đai 2 đổ xuống nhiều, sau đó xung đột trực tiếp với lượng xe tại nút giao dẫn đến ùn tắc.
Trước đó, để phục vụ việc đưa vào khai thác đường vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng và ngược lại), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đưa ra phương án tổ chức giao thông như cấm các phương tiện xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ. Tại nút giao Ngã Tư Sở, Hà Nội sẽ thí điểm cấm các phương tiện trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao.
Các phương tiện lưu thông theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải liên tục ra đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng để đi thẳng ra Trường Chinh hoặc rẽ phải liên tục ra Nguyễn Trãi.
Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu phục vụ pha đèn hướng Tây Sơn rẽ trái đi thẳng (21 giây đèn xanh) điều tiết cho 3 hướng giao thông còn lại.
Tuy nhiên, sau ba ngày thông xe đường vành đai 2 trên cao đã xuất hiện ùn tắc nghiêm trọng tại nút giao Ngã Tư Sở trong khung giờ cao điểm sáng và chiều./.