Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau vừa có chỉ đạo quyết liệt về việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Tại Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 12/4, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau đã đưa ra hình thức xử lý sẽ áp dụng là thu hồi vĩnh viễn bằng thuyền trưởng, giấy phép hoạt động đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan, ban, ngành tiếp tục tổ chức quán triệt về tầm quan trọng và tính cấp bách của Công điện 732/CĐ-TTg và Chỉ thị 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ theo phương thức đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục ngư dân, đặc biệt là chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ; từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và ký cam kết không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; đồng hành cùng với cả nước thực hiện tốt kiến nghị của Ủy ban châu Âu nhằm sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ Vàng” đối với hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Từng cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng biển đưa mục tiêu, nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vào nghị quyết, kế hoạch năm 2018 và những năm tiếp theo.
[Ngành thủy sản quyết tâm lấy lại 'thẻ xanh' - khó vẫn phải làm]
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành và các cơ quan chức năng liên quan phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn quản lý tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đảng ủy Công an tỉnh phối hợp Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo khẩn trương điều tra các trường hợp tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xác minh làm rõ có hay không các đường dây móc nối đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh sang vùng biển nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp; nếu phát hiện phải kịp thời báo cáo, phối hợp các cơ quan Trung ương điều tra, đấu tranh, triệt phá, xử lý truy tố theo pháp luật; đồng thời cảnh báo cho ngư dân biết đề phòng và tố giác các trường hợp móc nối bất hợp pháp.
Trước đó, tại một hội nghị của tỉnh Cà Mau được tổ chức vào cuối tháng Ba vừa qua, Đại tá Nguyễn Đình Khương, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4 đã báo cáo về tình hình ngư dân Việt Nam vi phạm đánh bắt hải sản trên vùng biển các nước trong thời gian qua và các biện pháp để hạn chế.
Cụ thể, tại khu vực Nam biển Đông và vùng vịnh Thái Lan, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Đồng thời, các nước trong khu vực như Indonesia,Philippines, Malaysia, Thái Lan đã tăng cường hoạt động của các tàu quân sự, tàu chấp pháp để bảo vệ vùng biển của họ, đồng thời mạnh tay xử lý tàu cá của ngư dân vi phạm. Do đó, tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ có xu hướng gia tăng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế mà còn nguy hiểm đến tính mạng của ngư dân, gây khó khăn cho công tác quản lý về hoạt động thủy sản nói riêng và an ninh trật tự, an toàn trên biển nói chung, trong đó có lực lượng kiểm ngư, biên phòng, cảnh sát biển...
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau thì từ tháng 10/2017 đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 17 phương tiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ là 17 tàu với 96 thuyền viên./.